Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã trả lại đơn kiện Formosa của hơn 506 ngư dân đòi bồi thường thiệt hại.
Về lý do trả lại đơn kiện, ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết lý do: (1) căn cứ vào khoản 5 điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) “kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm; và (2) căn cứ vào Điểm C khoản 1 điều 192 BLTTDS “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - tức là đã có Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ vào hôm 29/9 về giải quyết bồi thường thiệt hại.
Về mặt pháp lý, Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức giá bồi thường thiệt hại là một quyết định trái luật vì sai thẩm quyền và cả nội dung.
Căn cứ vào khoản 3 điều 61 Luật Bảo vệ Môi trường quy định tranh chấp trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; và căn cứ vào khoản 6 điều 26 BLTTDS quy định rõ: “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Như vậy, vụ việc hơn 500 người dân này khởi kiện Formosa là khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và thẩm quyền giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ "thuộc về Tòa Án", chứ không thể bằng một Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ. Thủ tướng Chính phủ không có thẩm quyền giải quyết về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong quan hệ dân sự.
Như vậy, Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại là hành vi tùy tiện áp đặt mức giá bồi thường thiệt hại, và cưỡng ép lên người dân bị thiệt hại. Đây là một Quyết định về sai nội dung và thẩm quyền.
Nếu ở một quốc gia có hệ thống tòa án độc lập, thì Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ sẽ bị dân chúng kiện cho lên bờ xuống ruộng. Nhưng hệ thống pháp luật và tòa án Việt Nam không thể “rờ” tới nổi những Quyết định như vậy của Thủ tướng Chính phủ vì nó không là đối tượng được khởi kiện ra tòa án.
Vì vậy, Tòa án Thị xã Kỳ Anh dựa vào Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ để cho rằng “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để trả lại đơn khởi kiện của nạn nhân Formosa là một hành vi nối tiếp cái sai của Thủ tướng Chính phủ. Tòa án đã không thực hiện đúng quy định về thẩm quyền giải quyết của mình mà Bộ luật TTDS đã quy định.
KIỆN FORMOSA - CÁCH NÀO MỚI ĐÚNG LUẬT?
(Trương Nhân Tuấn)
Chiếu theo Luật về Tổ chức chính phủ, ta thấy đại diện chính phủ (có thể là một hay nhiều bộ trưởng) có thẩm quyền đại diện để thỏa thuận với Formosa để đòi bồi thường. Tức là, dựa theo luật này thì những lý lẽ "nhà nước không có thẩm quyền đại diện quyền lợi của nhân dân" phải xét lại.
Vì vậy, tôi e ngại là những đơn kiện của bà con mình ở Hà Tĩnh sẽ "đi vào ngõ cụt pháp lý".
Nhưng nếu chiếu theo Luật về Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước, khi nhà nước làm sai thủ tục "giải quyết bồi thường thiệt hại", thì người dân có quyền đi kiện để đòi nhà nước bồi thường.
Rõ ràng đại diện nhà nước đã sai trong vụ Formosa. Thương lượng để được bồi thường 500 triệu đô la, trong khi chính cửa miệng của một vị bộ trưởng, là thành viên trong nhóm đại diện nhà nước thương lượng với Formosa, cũng nói là số tiền này "quá nhỏ" so với thiệt hại. Trong khi những thiệt hai chưa hề được tính toán kỹ lưỡng, đúng mức. Vì thiệt hại lên môi trường hàng vài chục năm, lên sức khỏe của người dân cũng vài chục năm, lên nền kinh tế ít ra cũng 10 năm... đại diện nhà nước làm sao kiểm toán được ?
Theo tôi, có hai con đường:
MỘT là yêu cầu Quốc hội tuyên bố vô giá trị các thỏa thuận giữa đại diện chính phủ và Formosa. Sau đó thì mọi người có quyền đi kiện Formosa tại các tòa án của VN. Tức là phải làm cho Formosa chịu chi phối dưới pháp quyền (tức là quyền tài phán - juridiction) của VN, thay vì pháp quyền của một nhà nước khác (như Đài Loan hay Cayman).
HAI là phải kiện nhà nước VN, chiếu theo Luật về "Trách nhiệm bồi thường của nhà nước". Đồng thời kiện Formosa tại tòa Đài Loan. Nhưng về lâu dài là phải nghiên cứu hồ sơ kiện Formosa ra một Tòa Quốc tế.
VỤ FORMOSA, DÂN CẦN ĐẤU TRANH VỚI AI ?
(Giáo Sư Nguyễn Đình Cống)
Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã thể hiện tinh thần rất cao khi đưa đơn kiện Formosa, biểu tình đòi chúng phải cút khỏi Việt Nam. Tuy vậy theo pháp lý thì hình như việc làm này chưa hoàn toàn đúng địa chỉ. Vì thế mà đại diện Formosa cho rằng họ không có trách nhiệm gì, dân muốn hỏi gì thì đi mà hỏi Chính phủ, họ đã thỏa thuận xong với Chính phủ.
Việc đuổi Formosa là nguyện vọng chính đáng của dân, nhưng đuổi hay không là quyền và việc làm của Chính phủ. Người dân biểu tình dù đông đến hàng triệu, hàng chục triệu thì cũng chỉ tỏ rõ quyết tâm và sức mạnh tinh thần chứ không thể trực tiếp đuổi được Formosa (trừ khi dùng bạo lực để tấn công, phá nhà máy). Vì vậy để đuổi được Formosa thì dân phải thỉnh cầu Chính phủ và Quốc hội để họ làm việc đó. Thỉnh cầu không được thì đấu tranh, biểu tình, nhưng đối tượng của đấu tranh và biểu tình phải nhắm vào Chính phủ, để Chính phủ tác động vào Formosa.
Về việc đền bù cũng vậy. Chính phủ đã không hỏi gì dân, tự ý đứng ra thương lượng, nhận 500 triệu đô, tự ý đề ra mức đền bù. Dân thấy không thỏa đáng thì trước hết phải yêu cầu Chính phủ tăng lên. Nếu Chính phủ thấy 500 triệu đô chưa đủ thì phải tìm cách đòi thêm hoặc bỏ ngân sách ra. Như vậy dân có đấu tranh thì cũng đấu tranh với Chính phủ.
Trong vụ Formosa có dấu hiệu một số quan chức vì nhận hối lộ mà cố tình ưu đãi và bao che cho Formosa. Việc đấu tranh của nhân dân cũng nên hướng vào yêu cầu tìm ra và trừng trị bọn người vô lương tâm, bán rẻ nhân dân cho bọn tài phiệt.
Vấn đề đi kiện. VN đã có Tòa án hành chính, là nơi để công dân kiện các cơ quan hành pháp. Việc người dân kiện chính quyền cấp xã, huyện là bình thường. Vấn đề đặt ra là có thể kiện Chính phủ ra tòa án hành chính tối cao hay không. Trước đây LS Cù Huy Hà Vũ chỉ mới kiện Thủ tướng CP và gần đây ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ VN ra tòa án quốc tế La Haye, đòi đền bù 1 tỷ đô la. Vụ kiện của LS Vũ bị dập đi, nhưng vụ kiện của ông Bình không dễ gì tránh được. Nếu như theo luật pháp VN cho phép người dân trong nước kiện Chính phủ thì nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị phát đơn kiện Chính phủ mới đúng địa chỉ. Việc trước đây chúng ta đi kiện công ty sản xuất chất dioxin (chất độc màu da cam), bị thất bại vì kiện sai địa chỉ là một bài học cần rút.
Trường hợp pháp luật VN chưa cho phép dân kiện Chính phủ thì nên tập trung đưa vấn đề ra Quốc hội, buộc Quốc hội phải thảo luận và gây áp lực đối với Chính phủ. Nếu Quốc hội và Chính phủ cho rằng họ không đủ thẩm quyền giải quyết mà quyền lực được quyết định ở chỗ khác kia thì cũng để nhân dân càng thấy rõ tính chất bù nhìn và hướng đấu tranh vào nơi cần thiết.
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ và gợi ý, mong được các Luật sư, các nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào xem xét để hành động đạt hiệu quả như mong muốn.
TRƯỚC KHI KIỆN FORMOSA RA TÒA QUỐC TẾ !
(Trương Nhân Tuấn)
Hôm 30-9 tôi có viết một status ngắn nói về “Vấn đề kiện Formosa”, trong đó có nói rằng những đơn kiện của bà con Hà Tĩnh sẽ đi vào “ngõ cụt pháp lý. Việc Tòa án Kỳ Anh trả lại trên 500 đơn kiện hôm qua cho thấy điều tôi nói là đúng.
Lý lẽ của các luật sư VN cố vấn vụ kiện Formosa, đặt trên giả thuyết cho rằng chính phủ không có thẩm quyền thay mặt nhân dân để thương lượng bồi thường với Formosa. Điều này tôi đã nói là không đúng. Chính phủ (là định chế quyền lực) đại diện nhà nước, có thẩm quyền về mọi vấn đề liên quan đến lãnh thổ và người dân, đối nội và đối ngoại.
Vì vậy việc biểu tình (làm áp lực với nhà nước) để Tòa nhận đơn kiện Formosa, đòi bồi thường lần nữa là không thuyết phục. Trong khi văn bản vừa mới công bố (quyết định số 1888) cho thấy nhà nước lên lịch trình bồi thường cho những nạn nhân bị thiệt hại.
Theo tôi, để việc bồi thường thỏa đáng, thay vì biểu tình trước cổng Formosa, bà con nên tụ tập trước văn phòng các đại biểu quốc hội để đạt nguyện vọng: yêu cầu quốc hội hủy bỏ các văn bản đã ký kết giữa đại diện chính phủ và Formosa. Lý do, số tiền bồi thường 500 triệu là không tương xứng với sự thiệt hại lâu dài về môi trường biển cũng như những mất mát, thất thu trước mắt của người dân làm kinh tế. Trong khi những hệ quả dài lâu lên sức khỏe con người thì chưa dự toán được.
Chỉ khi nào quốc hội hủy bỏ những văn bản ký kết về bồi thường giữa chính phủ và Formosa thì việc đệ đơn kiện tập đoàn này, để đòi bồi thường (hay yêu sách đóng cửa) mới đúng theo trình tự tố tụng dân sự.
Tôi nghĩ rằng, nếu bà con làm đúng thủ tục pháp lý thì công an không có lý do để đàn áp.
Đăng nhận xét