Quê Choa Plus - Có lần tôi về Hà Tĩnh nói chuyện chuyên đề ở trường Cao đẳng kỹ thuật, buổi tối mấy anh em ra quán uống bia. Đang vui, có một anh từ bàn bên sang chạm cốc và tự giới thiệu: Ngày xưa em học ở C 500, thầy có vào giảng môn Tâm lý học, em vẫn nhớ thầy…
– Ôi giời ôi, quý hóa quá! Mấy chục năm còn nhớ đến mình. Những anh học từ ngày ấy lên tướng, tá hết rồi. Bây giờ ông làm gì?
– Em nhát lắm, mới Thượng tá thôi…
– Hôm nay thấy xôn xao, CA đang cưỡng chế, giải tỏa đất đai, giao mặt bằng cho doanh nghiệp, sao ông được ngồi đây uống bia? Mà nếu đi thì ông làm gì?
– May quá! Không phải việc của em. Chứ nếu trên giao là vẫn phải làm đấy. CA là bộ phận chức năng, là công cụ mà!
– Mình hỏi thật, cứ “trên giao” là bảo làm gì cũng làm, kể cả biết sai cũng làm à?
– Biết sai thì phải đề xuất. Nhưng trên vẫn quyết thì xảy ra 2 khả năng: một là anh vẫn phải chấp hành; hai là, anh từ chối, không làm được thì tránh ra, tôi cử người khác… “Tránh ra” thì thầy biết rồi đấy. Em cũng bị “tránh ra” một lần, ngồi “kiểm điểm”, nhưng may quá, em đúng, thế mà cũng bị “thui chột” đấy thầy ạ… Em nghĩ việc gì cũng thế thôi, nếu người chỉ huy có cái tâm thì đỡ cho anh em ở dưới phải làm những việc trái đạo. Anh em chiến sĩ nó chỉ biết tuân theo mệnh lệnh chỉ huy thôi. Đúng sai là ở cấp trên, cấp ra lệnh…
Câu chuyện đã lâu, nhưng vẫn ám ảnh tôi mãi. Công an có bao nhiêu việc làm “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ai cũng biết. Khi làm những việc chính nghĩa, việc tốt hiển nhiên, người CA biết rõ ý nghĩa, giá trị của việc mình làm, nên thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, mưu trí, sáng tạo… Nhưng đối với những việc biết là phi nghĩa, sai trái mà con người vẫn chấp nhận biến mình thành “công cụ chức năng” chỉ biết làm theo “lệnh trên” một cách máy móc, vô cảm, không chịu trách nhiệm về hậu quả việc mình làm, thì sợ quá.
Mà những chuyện như thế đã xảy ra quá nhiều trên thế giới và ở nước ta rồi. Có những sai lầm có thể nhận lỗi, xin lỗi, đền bù chuộc lỗi và tha thứ được. Nhưng có những chuyện làm chết người, chết nhiều người và gây tổn thương, di hại cho hàng triệu người, cho nhiều thế hệ thì không gì rửa sạch được tội lỗi. Lịch sử sẽ ghi nhớ, nguyền rủa mãi mãi những tội ác giết hại đồng loại, dù do chế độ nào, băng đảng nào, tên độc tài nào ra lệnh.
Nhiều bài học đã cho thấy, các “công cụ chức năng” bị lừa dối và ỷ vào “trên chịu trách nhiệm”, nên đã gây ra biết bao tội ác cho dân lành. Khi chính quyền sụp đổ trước làn sóng phẫn nộ của nhân dân, những kẻ ra lệnh đã cao chạy, xa bay thì những “công cụ chức năng” trực tiếp hành động gây ra tội ác biết chạy đi đâu? Khi quay mặt lại với nhân dân không thể nào chối cãi đươc được tội ác. Dẫu có cúi đầu, quỳ xuống nhận tội, được nhân dân tha thứ, thì những oan hồn của nạn nhân vẫn bám theo kẻ thủ ác trong suốt cuộc đời… Luật nhân quả vẫn không thể buông tha.
Tôi được nghe một câu chuyện về chú chó nghiệp vụ “sáng suốt”. Chuyên xẩy ra xung đột giữa hai người cùng trong đội huấn luyện chó nghiệp vụ. Một anh đã ra lệnh cho con chó của mình tấn công người đồng đội, con chó không chịu, anh ta đánh nó, tiếp tục thúc ép nó phải tấn công, nó đã quay lại tấn công người ra lệnh.
Tại sao con chó lại phản ứng như vậy? Điều này mỗi người đều tự suy đoán, vì con chó không biết tiếng người để ta có thể phỏng vấn.
Đăng nhận xét