Quê Choa Plus - Hung bạo với giống nòi nhằm mục đích gì? Không có một lý lẽ nào đủ để biện bạch cho hành vi dùng vũ lực để ngăn chặn biểu tình, "ngồi xổm trên pháp luật" để bác bỏ quyền khởi kiện của đồng bào miền Trung. Chính phủ có thể đi theo lối cư xử văn minh, trọng pháp để lắng nghe và đối thoại với đồng bào. Tại sao không?
Một nguồn tin của chúng tôi từ ngoài Hà Nội cho rằng không phải mọi quan chức chóp bu quyền lực đều đồng tình với giải pháp "bàn tay sắt" với dân. Vậy, ai trong 19 vị trong Bộ Chính trị hiện nay, có quan điểm vì giống nòi Lạc Hồng? Để sử sách còn có sự phân biệt ai đã chấp nhận bán rẻ tương lai đất nước vì quyền lợi riêng, và ai từ khước sự phản bội truyền thống dân tộc.
Những quan chức nào còn giữ được dòng máu Việt Nam trong tim, không cam tâm toa rập với Trung Quốc mượn "bàn tay" Formosa để hủy diệt môi trường, hãy nghe một cựu chiến binh phân tích:
Tự hào dân tộc nằm ở khí phách can đảm. Hung bạo với giống nòi, đồng nghĩa với bán rẻ quê hương!
Ông, một cựu chiến binh, xem những tấm hình trên mạng về cuộc tuần hành của hàng chục ngàn người dân tại Hà Tĩnh đòi trục xuất Formosa ra khỏi quê hương, trả lại môi trường sống cho người dân VN. Ông chỉ vào những tấm hình, nói:
"Tự hào dân tộc là đây, chứ tìm ở đâu nữa!"
Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì biết nhiều năm dài ông tin tưởng vào chế độ. Nhận ra sự ngạc nhiên nơi tôi, ông giải thích:
"Cuộc đời chinh chiến của tôi, cũng như kinh nghiệm sống, khiến cho tôi hiểu rằng "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Ở đời ăn thua nhau ở lòng can đảm. Tự hào bô bô ngoài miệng nhưng nếu thiếu dũng khí, chỉ là thứ vô tích sự không hơn không kém! Hàng chục ngàn người ngoài Hà Tĩnh, nói gì thì nói, rõ ràng họ có lòng can đảm khi đương đầu với lực lượng cảnh sát cơ động súng ống đầy mình".
Tôi càng thêm ngạc nhiên. Tôi hỏi:
"Ông khen họ như vậy, ông không sợ qui chụp là bị thế lực thù địch xúi giục hay sao?"
Tôi thấy ông lúc đó im lặng một đỗi, ông thở dài, rồi nói:
"Nếu nhà nước chịu đưa ra những quyết sách mạnh tay về Formosa, về chủ quyền ở biển Đông, tôi tin hàng chục ngàn người ngoài Hà Tĩnh, Vinh, họ sẽ ủng hộ nhà nước. Hãy dựa lưng vào những con người giữ được ngọn lửa can đảm trong truyền thống Việt Nam thì mới chắc, mới bền; đừng dựa vào những kẻ suốt ngày chỉ biết nói theo ăn theo nhà nước, những kẻ này chưa qua "lửa thử thách", gặp phải chuyện nguy hiểm họ sẽ bỏ chạy mất dép."
Vài giây im lặng nặng nề, bất chợt ông gằn giọng:
"Tại sao nhà nước không nghĩ lại mà cứ tiếp tục trấn áp đồng bào khốn khổ miền Trung? Làm vậy có khác nào bán rẻ giống nòi để bênh vực ngoại bang! Không lẽ nhà nước..."
Ông nghẹn lời. Tôi nhìn thấy nước mắt ứa ra từ khóe mắt già nua của một cựu chiến binh đã hi sinh cả cuộc đời cho chế độ.
Ông lắc đầu, ráng nói tiếp câu bỏ lửng:
"Không lẽ nhà nước này đã đốn mạt đến tận cùng rồi sao?"
Câu hỏi chất chứa cả một sự tê tái. Một bi kịch chẳng của riêng ông.
Đăng nhận xét