Quê Choa Plus - Xin ba ngày quốc tang cho những con người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Nhiều xác thân trong số đó vẫn chưa về lại được với gia đình, có những em ra đi khi còn rất nhỏ.
Miền trung vốn đã nghèo khổ, đau thương, năm nay lại chịu thảm hoạ thiên tai đặc biệt nghiêm trọng: 111 sinh mạng chết trôi chỉ nội trong vòng hai tháng trở lại, 235 sinh mạng chỉ tính trong năm 2016 này, thiệt hại tài sản ước tính 37.650 tỉ đồng. Điều này phù hợp với pháp luật VN: 19-TB/TW Bộ Chính Trị 2011: Tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm hoạ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân.
Xin ba ngày tang trắng để nhắc lòng mình cảm thương cho người đồng bào không may, và để biết lòng mình khi máu chảy thì ruột vẫn mềm, vẫn đau.
Chúng tôi đồng kêu gọi cá nhân, tổ chức, cơ quan, và đoàn thể phát động, hưởng ứng, và hỗ trợ lời kêu gọi ba ngày quốc tang hướng về các nạn nhân lũ, lụt miền Trung VN vào các ngày 26, 27, 28 tháng 12 năm 2016.
Đất nước này, dẫu chưa thành danh trong cõi bốn bể năm châu, cũng xin thành nhân, trong lòng nhau và trong tâm tưởng những người nằm xuống.
Nancy Nguyen
Tôi thực hiện nghi thức Quốc tang 3 ngày, cho 235 đồng bào, tử nạn vì Lũ Lụt 2016.
Làm điều này để tưởng niệm họ.
Làm điều này để cái chết của họ không vô nghĩa
Làm điều này để những ai có trách nhiệm, phải làm hết chức trách. Để 2017, không còn người chết vì lũ lụt miền Trung.
Vì đây là việc cần thiết phải làm.
Nguyễn Anh Tuấn
"Tôi nghĩ việc để tang người chết vì bão lụt miền Trung thể hiện sự đồng cảm và thương xót của cộng đồng mạng xã hội đối với những mất mất về người và tài sản của bà con nơi đây. Như thế thì sự chung tay, góp sức giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn cũng nhiều hơn. Và qua đó cũng đánh động chính quyền nên có sự quan tâm lớn hơn với những nạn nhân thiên tai tại miền Trung. Mà để tang như thế thì cũng giúp nhiều người quan tâm, tìm hiểu hơn về nguyên nhân gây ra nạn lũ lụt. Trong đó có nguyên nhân từ thủy điện mà nói đúng ra là nhân tai chứ không phải thiên tai. Rồi thì người ta sẽ thấy sự lãng phí của chính quyền trong các dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng mang tính tuyên truyền như tượng đài, quảng trường tại các địa phương mà người dân còn khốn khổ vì lũ lụt.
Dương Đại Triều Lâm
Các bạn có thể chọn cho mình một lựa chọn avatar hoặc cover tại đây: https://drive.google.com/drive/folders/0Bw4Ap2v11mEBWGhfa2swS3hxeDg?usp=sharing
Khăn kia trắng ở trên đầu
Để tang dân tộc một màu đớn đau
Cùng là ruột thịt với nhau
Chết trong oan uổng vì đâu hỡi trời??
Một miền Trung oằn mình trong mưa lũ, một miền Trung tang tóc nói riêng và một Việt Nam đầy chết chóc, đau thương nói chung. Đó là những nhận xét không hề quá lời mà bất cứ ai là người Việt Nam cũng có thể nói được khi nhìn lại những đợt lũ xảy ra ở mấy tháng qua, đã để lại cho miền Trung những hậu quả hết sức nặng nề và nghiêm trọng cả về tài sản lẫn tính mạng con người.
Nỗi đau miền bão lũ…
“…Nước lên, niềm đau thương cuốn dâng trào, nhấn chìm làng quê xiết bao
Miền Trung Miền Trung! lẫn trong mưa chiều mịt mờ
Nấp co ro đàn trẻ thơ, chợt nhìn bơ vơ
Tiếng ai u buồn thở dài, biết ra răng chừ ngày mai, còn chi hỡi ai!…”
Miền Trung Mùa Bão Lũ - Cáp Anh Tài
"Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tả. ... xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thầm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ hết sức giữ gìn, kẻ thuổng kẻ thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy ướt lướt thướt như chuột lột .Tình cảnh trông thật thảm. ... ấy lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ,đem thân yếu hèn mà chống với mưa to gió lớn, để bảo thủ lấy tính mạng, gia tài, thế thời quan cha mệ ở đâu?
Thưa rằng: đang ở trong triều đình kia, Cách đó chừng bốn năm trăm thước. Ðình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nào cũng không việc gì. .... Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm: trừ quan phụ mẫu mọi người không dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang lấm láp, gội gió tắm mưa như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh ...
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước trào lênh láng, xóay thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!."
Sống chết mặc bay - Phạm Duy Tốn (1918)
CÁI CHẾT ĐANG TREO LƠ LỬNG
Như chúng ta đã biết, cứ mỗi lần mưa lớn là các nhà máy thủy điện lại đồng loạt xả lũ. Tại sao lại phải xả lũ? Vì nếu không xả thì sẽ bị vỡ đập. Tại sao lại sợ vỡ đập? Vì đơn giản là đập kém chất lượng sẽ không thể chịu được sức nước khi mưa lớn nước dâng lên ngập mặt đập. Vậy tại sao đập lại kém chất lượng? Cái này thì phải hỏi những kẻ lãnh đạo bất tài và hỏi Tập đoàn điện lực EVN.
Chúng vẽ ra các dự án thủy điện với lời lẽ trên trời rằng sẽ phát điện thắp sáng khắp cả nước. Chúng lấy lý do làm dự án thủy điện để chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ bán lấy tiền bỏ túi. Môi trường sinh thái bị tác động nghiêm trọng. Không còn rừng đầu nguồn để giữ nước nên mưa ngày càng nhiều hơn, mưa xuống bao nhiêu là dồn hết về hồ thủy điện. Những hồ thủy điện bỗng trở thành những quả bom nước khổng lồ.
Chưa kể đến việc dự báo thời tiết và các trạm khí tượng thủy văn đưa ra những thông báo không chính xác. Những kẻ vận hành thủy điện không nắm bắt được lượng mưa, không có phương án phòng chống lũ hiệu quả. Dẫn đến việc cứ mưa lớn là lo sợ bị vỡ đập. Mà muốn không vỡ đập thì phải xả lũ. Xả vô tội vạ, xả để đảm bảo rằng cái đập "hàng mã" đó không bị nước lũ cuốn phăng đi. Còn phía hạ lưu nhà có bị ngập đến nóc, dân có bị nước lũ cuốn trôi thì cũng mặc kệ. Vì nguồn thu từ thủy điện là siêu lợi nhuận nên tao lo giữ thân tao đã. Một hành động đúng nghĩa: "Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi".
Còn thằng dân đen cứ tin rằng phải nhờ có thủy điện thì mới có điện thắp sáng. Vậy điện đó có được phát miễn phí không? Hay là phải è cổ ra đóng tiền điện cao hơn các nước khác? Rồi khi chúng xả lũ về thì chết ai? Chỉ chết dân, mà dân chết thì Đảng và Nhà nước có quan tâm không? Không hề. Vì nếu họ quan tâm đến dân thì đã không xả lũ một cách vô trách nhiệm đến vậy.
Không phải ai khác mà chính là chúng ta đã vô tâm, đã phó mặc số phận của mình cho Đảng và Nhà nước lo. Khi chúng xây thủy điện, khi chúng vận hành các tuabin thì chúng ta chẳng ai quan tâm đến hậu quả của nó để lại. Chỉ vì nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chúng ta quên đi mối nguy lâu dài. Chúng ta đã quá thờ ơ với chính trị, đã vô trách nhiệm với chính bản thân chúng ta và cộng đồng xung quanh. Bởi vậy nên mới bị chính trị nó nuôi nhốt như đàn cừu chờ ngày vào lò mổ. Nếu ai đó, nhất là những người dân phía hạ lưu các đập thủy điện mà còn nói câu: "Tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi chỉ lo làm ăn kiếm tiền nuôi vợ nuôi con" thì giờ đã sáng mắt ra chưa? Vì chúng ta từ chối quyền lợi của chính chúng ta nên mới bị chính trị nó đối xử như những con vật. Kiếm tiền xây nhà cao cửa rộng à? Ngập rồi thì nhà cao mấy cũng uống no nước ở tầng 1 mà thôi. Có thể bạn chưa mất mạng nhưng chắc chắn tiền trong túi bạn đã bị hụt đi rất nhiều.
Vậy nên nếu chúng ta không chịu đứng lên, không chịu cất tiếng nói thì khi bị ngập lụt hay mất mạng cũng đừng có kêu ca than trách gì! Với Đảng và Nhà nước thì 235 mạng người cũng chỉ là cái móng tay mà thôi.
Trung Nghĩa
Xả lũ, hay xả họa cho dân
Mấy hôm nay, chúng ta thường nghe đến hai từ "xả lũ" ấy. Điều lạ là, dường như dân chúng và báo chí chấp nhận việc xả lũ, cho đó là điều cần phải thế, rồi còn trách cái nhà máy thủy điện chết tiệt kia sao xả mà không thông báo trước, khiến dân chúng trở tay không kịp. Có nghĩa là, nếu thông báo trước để dân chạy nạn thì OK, thì được, cho xả thoải mái. Không thể thế được.
Về nguyên tắc, công trình thủy điện ngoài việc tích nước phát điện thì còn có nhiệm vụ chứa nước để điều tiết chống lũ, cấp nước thủy lợi cho dân sản xuất nông nghiệp. Nó hoàn toàn không có chức năng xả lũ để hại dân. Trên thực tế, để hoạt động, nó tích nước, chặn hết đầu nguồn, vào mùa khô khi dân vùng hạ lưu không có nước cày cấy, năn nỉ gẫy lưỡi nó cũng không thèm đếm xỉa, không nhả ra một giọt. Nó cần tiền chứ không cần dân.
Nhiều dòng sông ở Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi có nhiều nhà máy thủy điện nhất nước, đã diễn ra tình trạng ấy nhiều năm nay. Dân chúng, và cả chính quyền 2 nơi đó, rất căm nhà máy thủy điện. Vào mùa mưa, nó tích đủ nước, nếu mưa lớn quá sức tích chứa của nó, là nó xả. Xả để cứu nó, vì cái túi tiền của nó, chứ không phải vì dân. Nó chỉ "ưu ái" nước cho dân khi nó sợ vỡ đập. Ngập lụt thì dân ráng chịu. Nó xây đập dỏm, nó bắt dân chịu thay cho nó.
Những vùng ấy, xưa nay khi chưa có nhà máy thủy điện, thường thì dân chúng chỉ chịu lũ tự nhiên, có mạnh có yếu, nhưng không ghê gớm, kéo dài và gây thiệt hại khủng khiếp như cái thứ lũ thủy điện này. Lũ thủy điện là thứ nhân tai, tàn hại gấp bội so với lũ thiên tai. Nó làm thủy điện, nó tích nước là điều được phép, nhưng nó phải xây đập cho chắc, nước có lớn mấy cũng chỉ được phép tràn đập chứ không được vỡ. Giả dụ đập Sơn La hay Hòa Bình cũng có thể vỡ thì người Hà Nội cũng thành cá hết chứ chả phải chỉ mạn ngược. Không ai cho phép nó xả lũ mà chỉ cho phép nó xả nước để cứu dân khi hạn hán. Nhưng nó đã làm ngược lại.
Thế nên, trách nó xả không báo trước tức là dung túng cho nó làm bậy, làm càn. Vấn đề là con người. Hồ chứa nước Dầu Tiếng ở miền Nam không làm nhiệm vụ thủy điện, nhưng suốt bao năm nay chưa bao giờ cố ý xả lũ hại dân, ngược lại làm rất tốt nhiệm vụ điều tiết nước, thủy lợi, chống hạn, phục vụ nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho Sài Gòn. Hồ này đã từng nhiều lần chịu nguy cơ sinh tử nhưng do đập chắc chắn và nhất là nhà quản lý có ý thức trách nhiệm với cuộc sống của dân nên không tính chuyện xả lũ độc ác như Hố Hô. .
Lũ lụt miền Trung, thủy điện có oan?
Phải nói ngay rằng “không oan”, trong đợt lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung kéo dài mấy tuần nay, và đang chưa biết khi nào mới chấm dứt. 14 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ thì dân có mà chạy đằng trời.
Người ta làm thủy điện, việc đầu tiên là phá rừng. Phá rừng để làm hồ chứa. Hồ càng lớn, rừng càng bị mất nhiều. Nó chỉ còn tác dụng chứa chứ không thể ngậm nước và điều tiết khi mưa nhiều. Miền Trung có đặc điểm địa hình dốc nên các dòng sông nhiều tiềm năng thủy điện. Chính vì thế, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, và cả Lâm Đồng, Đắk Lắk nữa thủy điện dày đặc. Đồng nghĩa với nhiều thủy điện là rừng bị mất nhiều, tai họa lũ lụt ngày càng ghê gớm. Không nói ra, ai cũng biết, từ ngày có thủy điện, dân miền Trung và Tây Nguyên phần được thì ít, còn phần mất, hậu quả chết chóc ngày càng nhiều. Thiên tai thì ai, ở đâu cũng phải chịu, còn nhân tai đổ dồn vào xứ này.
Không đổ hết tội cho thủy điện. Công cuộc phá rừng dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ suốt mấy chục năm nay chính là cái gốc của tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Những bộ óc kinh tế ngu dốt, chỉ chăm chăm vào tăng trưởng nóng, vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp hậu quả đã gây ra nhiều hệ lụy. Hai nhiệm kỳ cầm đầu chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có việc thả cửa xây dựng thủy điện, đã phá nát đất nước này. Không chỉ môi trường bị tàn phá mà kéo theo đó là thiên tai, nhân tai, hiểm họa, từng ngày từng giờ đe dọa cuộc sống dân lành.
Thủy điện đem lại nguồn thu cho nhóm lợi ích, nhưng đem lại chết chóc khổ sở cho người dân.
Nguyễn Thông
Tôi để tang cho đất nước mình
Tôi khóc thương cho đất nước mình
Ôi nước nhà Việt Nam sao quá nhiều lầm than
Bao giờ cho hết tang thương ngập tràn?
Các bạn có thể chọn cho mình một lựa chọn avatar hoặc cover tại đây: https://drive.google.com/drive/folders/0Bw4Ap2v11mEBWGhfa2swS3hxeDg?usp=sharing
Chia sẻ, lưu, gửi bài viết này
XEM THÊM:
Lũ lụt miền Trung, thủy điện có oan?
235 người chết và mất tích, thiệt hại 1.7 tỷ USD do thiên tài
Lặng người với thiệt hại của các tỉnh miền Trung sau thảm họa Formosa
Xả lũ, hay xả họa cho dân!?
Thương miền Trung quê lũ - Hà Chương
Lũ Miền Trung, thấp thỏm nhiều đêm nằm nỏ ngủ
Miền Trung Xin Cảm Ơn, Với Cả Tấm Lòng
Đăng nhận xét