Sáng 17/12, tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tại cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay trên cả nước, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp.
Trong đó, rét đậm, rét hại, sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi phía Bắc; 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử kéo dài.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, những khu vực bị hạn hán trên đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoạn, bất thường và kéo dài.
Mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; gần 317.000 nhà bị ngập, hư hại; gần 43.000 ha lúa bị ngập dư hại…. Đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ước thiệt hại ước tính trên 8.600 tỷ đồng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), bằng một nửa tổng thiệt hại trong 5 năm trước (3,3 tỷ USD).
Trong khi đó, theo báo cáo ban đầu, riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên -Huế 3 người chết, Bình Định 6 người chết, 5 người mất tích, Khánh Hòa 1 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 112.000 nhà bị ngập nước; trên 10.000 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi.
Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước đang phải xả lũ; ngập lụt nghiêm trọng ở tất cả các tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở, sản xuất bị đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề.
Đêm qua, mưa đã giảm, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống, hiện đang ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên mức BĐ3. Dự báo đến trưa mai (ngày 18/12), mực nước các sông tiếp tục xuống và chủ yếu ở mức BĐ1-BĐ2, một số sông ở mức BĐ3.
Trước tình hình trên, các địa phương bước đầu đầu các tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp. Trong đó, cần hỗ trợ 5.850 tấn gạo (Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn, Quảng Ngãi 1.500 tấn, Bình Định 2.000 tấn, Phú Yên 1.100 tấn, Khánh Hòa 250 tấn) và 5 tấn lương khô (Bình Định). Về thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho người: 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác.
Về hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất cần 300 tấn lúa giống và 102 tỷ đồng kinh phí hỗ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Quảng Nam 8 tỷ đồng, Quảng Ngãi 7 tỷ đồng, Bình Định 40 tỷ đồng, Phú Yên 33 tỷ đồng, Khánh Hòa 13 tỷ đồng, Ninh Thuận 1 tỷ đồng).
Về khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các địa phương đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hơn 1.280 tỷ đồng (trong đó, Thừa Thiên –Huế 370 tỷ đồng, Quảng Nam 50 tỷ đồng, Quảng Ngãi 250 tỷ đồng, Bình Định 360 tỷ đồng, Phú Yên 105 tỷ đồng, Khánh Hòa 77 tỷ đồng , Ninh Thuận 70 tỷ đồng).
Toàn tỉnh Bình Định đã chìm trong lũ. Tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt, trong đó có 26 xã bị cô lập hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Tài sản thiệt hại chưa thống kê hết được nhưng chắc chắn hạ tầng giao thông trong tỉnh đã bị hư hỏng nặng, theo lời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Cho rằng sau 5 đợt mưa lũ, cơ sở hạ tầng của Bình Định đã quay lại "10 năm về trước" nên theo ông Dũng, nếu Chính phủ hỗ trợ vài trăm tỷ đồng cũng không thay đổi được nhiều. Bên cạnh đó, 50.000 học sinh của tỉnh đang đối mặt với tình trạng bỏ học bởi toàn bộ sách vở của các em đã bị lũ cuốn, tiền học phí không có để trang trải.
Đăng nhận xét