Quê Choa Plus - Chiều 2-12, sau ba ngày xét xử và một ngày nghị án, HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh) 12 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời tuyên phạt sáu bị cáo nguyên lãnh đạo xã Kỳ Long, xã Kỳ Phương và UBND huyện Kỳ Anh từ ba năm tù đến 11 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, bị cáo Phạm Huy Tường (nguyên trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Anh, kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh) 11 năm tù.
Các bị cáo Lê Xuân Nghinh (nguyên bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long), Lê Quang Hà (nguyên phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long) mỗi bị cáo 10 năm tù.
Bị cáo Lê Anh Đức (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thị xã Kỳ Anh) tám năm tù. Bị cáo Hồ Xuân Cường (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh) và Lê Công Diếu (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Phương) mỗi bị cáo ba năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc bị cáo Bổng và Tường mỗi bị cáo phải bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng.
Các bị cáo Nghinh, Hà và Đức mỗi bị cáo phải bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng. Diếu và Cường mỗi bị cáo phải bồi thường hơn 142 triệu đồng.
Đó là tiền mà bị cáo Bổng và sáu bị cáo trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách bồi thường của dự án Formosa Hà Tĩnh.
Trước đó, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh giữ quyền công tố đã đọc bản luận tội, đề nghị mức án cho bị cáo Bổng 12-13 năm tù các bị cáo khác từ 30 tháng đến 12 năm tù.
Khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo Bổng nói: "Hiện nay tôi xin đề nghị miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho tôi để tôi ở ngoài xã hội tiếp tục cống hiến cho quê hương". Tại phần xét hỏi, bị cáo Bổng cho rằng giờ có bán nhà cũng được tỉ đồng và không biết lấy tiền đâu mà khắc phục. Các bị cáo khác đề nghị xem xét lại số diện tích đất và số tiền gây thất thoát, rồi xin miễn hoặc giảm án...
Như đã đưa tin, từ năm 2008-2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư), Bổng và cấp dưới biết rõ một số diện tích đất công do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện được Nhà nước bồi thường.
Chia sẻ, lưu, gửi video này
Tuy nhiên, Bổng và các bị cáo nêu trên đã cố ý làm trái để hợp thức 72,78 ha đất công do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của Nhà nước.
Cụ thể Bổng chỉ đạo Tường cấu kết Đức giao cho lãnh đạo các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương (tức Diện, Nghinh, Hà, Diếu) tự thành lập tổ kiểm kê để lập biên bản kiểm kê việc sử dụng đất bồi thường 72,78 ha "đất tranh chấp" là đất nông nghiệp. Sau đó, hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất công do địa phương quản lý nêu trên thành đất đã giao cho hộ dân sử dụng trước thời điểm 1-7-2004 để hưởng chính sách bồi thường 100% giá đất nông nghiệp.
Hành vi của Bổng và các bị cáo nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách bồi thường của dự án Formosa.
Hiện ông Bổng đang làm chuyên viên Văn phòng UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đắc Lam (PLO)
Quê Choa Plus
Quê Choa Plus
Đăng nhận xét