Halloween Costume ideas 2015

Kiến thức về hẹp bao quy đầu - chuyện con chim non

NewVnNews - “Bác sĩ ơi, con em có bị hẹp bao qui đầu không vậy?” – đây là một câu hỏi thường gặp ở nhiều gia đình có bé trai, và không ít trường hợp, câu hỏi này được đưa ra trong lần gặp bác sĩ đầu tiên để khám tổng quát bé, thường trong khoảng 1-2 tháng tuổi. Nhiều cha mẹ ám ảnh chuyện hẹp bao qui đầu đến mức quyết tâm kéo ngược da qui đầu của trẻ, tự mình hoặc nhờ y bác sĩ, để thấy an tâm, nhưng không biết cách thực hành này có thể gây nguy hại không nhỏ về sau cho bé. Vì vậy, đề tài nói chuyện lần này là về lĩnh vực nhạy cảm nhưng gây không ít hiểu lầm và đau thương này của trẻ trai.

Hẹp bao qui đầu, theo định nghĩa, là khi da bao qui đầu – vùng da xung quay đầu chim – không kéo ngược lại được.

Thông tin quan trọng mà ba mẹ cần ghi nhớ, là tỉ lệ hẹp bao qui đầu thật – bệnh lý - cần can thiệp, là rất thấp, con số thống kê chỉ khoảng dưới 1%.

Một điều cần ghi nhớ nữa, là từ lúc bé sinh ra, da qui đầu của bé sẽ dính chặt vào thân chim, và sẽ từ từ tự tách ra khỏi thân chim khi bé lớn lên. Nếu muốn tưởng tượng, sẽ giống như bông chuối vậy, ban đầu khép thật chặt, sau đó các lớp vỏ cứng mới từ từ dang ra để lộ những trái chuối con. Nhưng ở người, sự tách này diễn ra khá chậm trãi. Khoảng 4 tuổi, 90% bé trai sẽ có da qui đầu tự tách ra, và đến tuổi dậy thì, 99% - gần hết – trẻ trai có da qui đầu tách ra, và có thể tự kéo ngược lại. Vì vậy, trong giai đoạn này, người ta gọi là “hẹp bao qui đầu sinh lý” – có nghĩa là một tình trạng bình thường. Người chăm sóc trẻ nên kiên nhẫn chờ đợi, và không nên suy nghĩ quá nhiều, hoặc manh động quá mức.

Việc cố tách da qui đầu của trẻ, kéo ngược lại, khi cơ thể trẻ chưa sẵn sàng, giống như bạn cố gắng tách các bẹ bông chuối ra khi bông còn khép kín. Điều này không những gây đau đớn cho trẻ, mà còn gây tổn thương và để lại sẹo về sau. Một số trường hợp khi cố kéo ngược da qui đầu, lại phải vào cấp cứu vì không kéo da qui đầu về vị trí ban đầu được do chim bé bị sưng, viêm. Một số trẻ bị sẹo do da qui đầu bị kéo ngược quá sớm, lại có thể bị hẹp bao qui đầu thật sự về sau, do sẹo thít chặt quanh chim. Có nghĩa là bạn tự gây ra tình trạng bạn muốn tránh cho con, một cách rất không cần thiết.

Một số người quan niệm phải kéo ngược da qui đầu để vệ sinh. Điều này cũng không đúng lắm. Chỉ đúng khi da qui đầu của bé đã tự tách ra, còn khi chưa tách, thì không cần vệ sinh làm gì. Một số trẻ có thể thấy những cục trắng, vàng ở dưới da qui đầu, nhưng đó chỉ là những tế bào chết từ da qui đầu thôi, hoàn toàn lành tính và không gây hại hoặc gây nhiễm trùng gì cả.

Rất nhiều ba mẹ đánh đồng việc hẹp bao qui đầu với việc phải cắt bao qui đầu cho trẻ, điều này không đúng. Việc quyết định cắt bao qui đầu vì hẹp bao qui đầu bệnh lý chiếm tỉ lệ rất ít. Nhiều nơi trên thế giới, việc cắt bao qui đầu là một quan niêm về văn hóa, niềm tin. Nhiều nơi khác, cắt bao qui đầu là một lực chọn của người chăm sóc trẻ, nhưng không phải là một chuyện bắt buộc. Lựa chọn này có, là do có bằng chứng cho thấy việc cắt bao qui đầu của trẻ có liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu, nguy cơ bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nguy cơ ung thư dương vật khi trẻ trưởng thành.

Tuy nhiên, đây vẫn là lựa chọn có-không của ba mẹ và người chăm sóc trẻ, vì khi thực hiện thủ thuật cắt bao qui đầu cần phải gây mê, gây đau đớn, sợ hãi, có nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng từ thủ thuật, cũng như cũng có thể sang chấn tâm lý cho trẻ ở một số trường hợp.

Một điều ba mẹ cần lo, nhưng không thấy ai lo, là lỗ tiểu có mọc ở đúng vị trí không. Điều này thường được kiểm tra khi trẻ được khám tổng quát lúc mới sinh, hoặc khi trẻ được 2-4 tháng tuổi. Lỗ tiểu đúng chỗ là tại đầu chim. Nếu các bạn thấy bé đi tiểu mà nước tiểu không ra từ đầu chim, mà lại ra ở thân dưới hoặc thân trên của dương vật, thì nên cho bé đi khám bác sĩ ngay nhé.

Tóm lại, đây là một số điểm cần ghi nhớ:

1. Không được cố gắng kéo ngược bao qui đầu để vệ sinh. Không cần vệ sinh bên trong da qui đầu ở trẻ nhỏ
2. Đa số các trẻ sẽ có tình trạng hẹp bao qui đầu sinh lý – điều này là bình thường. Da qui đầu sẽ tự tách khỏi chim dần dần, và xảy ra ở gần như tất cả các bé trai trong giai đoạn dậy thì.
3. Hẹp bao qui đầu bệnh lý rất ít gặp, chiếm dưới 1% dân số nam
4. Nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu sau khi dậy thì (14-15 tuổi) mà bao qui đầu chưa tự tách, hoặc nếu trẻ khó chịu, đau khi đi tè.
5. Cắt bao qui đầu là một điều trị cho hẹp bao qui đầu bệnh lý, nhưng chúng ta cũng có thể chọn cắt bao qui đầu cho trẻ vì có một số lợi ích nhất định. Nên cân nhắc giữa những lợi ích và bất lợi (biến chứng, đau…) ở từng trường hợp khi quyết định cắt bao qui đầu.

Bs. Huyên Thảo.

NewVnNews

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget