Quê Choa Plus - Việc lập báo cáo ĐTM chỉ cho một giai đoạn, mà trong một giai đoạn đó chỉ có 200-300 ha, là chưa rõ ràng.
Bãi tro xỉ phía giáp biển nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Hai điểm quan trọng chưa được nhắc đến trong báo cáo ĐTM
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đang lấn gần 300ha biển để chôn hàng chục triệu m3 xỉ thải. Theo đó, từ năm 2008, dự án của FHS ở thị xã Kỳ Anh được quy hoạch bãi xỉ lấn biển có diện tích hơn 281 ha.
Trước những thông tin về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 9/8, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng cho biết: "Theo tôi, thứ nhất, vấn đề quan trọng hơn ở đây đó chính là toàn bộ dự án bãi xỉ thải của Formosa sẽ chiếm bao nhiêu diện tích lấn biển.
Bởi vì thực tế là Formosa đã “tách” dự án rất to thành các dự án nhỏ thành phần, sau đó đưa ra đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của một giai đoạn của dự án thành phần, chỉ nhằm mục đích “đầu xuôi, đuôi lọt” là không toàn diện, không đúng.
Ở đây nếu tính khối lượng đổ thải lấn ra biển tương ứng với công suất vận hành 15 triệu tấn thép/năm, và trong vòng 70 năm thì mức độ ảnh hưởng đến môi trường biển là cực kỳ lớn.
Nếu tách ra từng công đoạn một thì lại nhỏ. Việc lập báo cáo ĐTM chỉ cho một giai đoạn, mà trong một giai đoạn đó chỉ có 200-300 ha, là chưa rõ ràng.
Thứ hai, chúng ta mới chỉ quan tâm việc Formosa thải chất thải ra ngoài, mà không quản lý và làm rõ tận gốc là trách nhiệm của Formosa phải xử lý chất thải trước khi đưa ra khỏi hàng rào nhà máy để chôn cất ngoài biển, bao gồm chất thải từ lò luyện coke, lò luyện thép và lò hơi phát điện.
Nội dung này hoàn toàn không có trong ĐTM đã được Bộ TN-MT phê duyệt 30/6/2008. Đây là việc làm chưa đúng trách nhiệm của cơ quan tư vấn lập ĐTM và cơ quan phê duyệt ĐTM.
Như vậy, Formosa đã cố tình không xử lý chất thải từ lò luyện coke, lò cao trước khi thải ra biển cùng với chất thải của lò hơi (nhà máy điện) thì sẽ rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Hiện nay, ở nước ngoài cũng có nhiều dự án làm bãi thải lấn biển, nhưng không thể so sánh hay học hỏi vì họ làm khác chúng ta, trước khi đổ thải ra biển tất cả đều được liệt kê danh sách, xử lý sạch sẽ, không còn chất thải nguy hại.
Như Hồng Kông (Trung Quốc), họ dùng chất thải đổ ra để có sân bay mới như bây giờ, nhưng để làm được là vì họ xử lý tốt. Nhưng quay lại nói về Việt Nam, việc quan trọng này thì báo cáo ĐTM không quan tâm, không đề cập đến, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý".
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, nguy cơ lớn nhất mà chúng ta đang đối diện là báo cáo ĐTM được lập với chất lượng rất thấp. Nguồn gốc chất thải chủ yếu từ 3 loại lò công nghiệp chính đó là lò hơi (phát điện), lò coke (luyện than coke), và lò cao (luyện thép).
Trong đó, chất thải của lò hơi, tuy chiếm khối lượng rất lớn nhưng ít nguy hại nhất cho môi trường. Đặc biệt, chất thải của lò coke và lò cao vô cùng nguy hại thì hoàn toàn chưa có phương án xử lý và đã bị bỏ qua trong báo cáo ĐTM.
Những chất thải trên nếu ra môi trường, thì ô nhiễm có thể hàng chục năm, hàng trăm năm mới thể hiện cho nên cái này phải xét ngay trong nội dung báo cáo ĐTM, chứ không nói qua qua. Báo cáo ĐTM làm quá hời hợt, theo bản được duyệt 6/2008 là không chấp nhận được.
Nhiều nước quản như chất thải phóng xạ
Trước quyết tâm của Bộ TN-MT là nếu làm sai không đảm bảo chất lượng gây ô nhiễm môi trường thì sẽ xử lý nghiêm, theo ông Sơn, nói như vậy chỉ để trấn an.
Thực tế, bản báo cáo ĐTM mà Bộ TNMT phê duyệt có chất lượng rất thấp. Cơ quan tư vấn lập báo cáo không có các chuyên gia về các công nghệ chính của dự án như nhiệt điện, luyện coke và luyện kim.
Các hệ thống bờ kè đã được xây dựng hoàn thiện
Các “giải pháp” bảo vệ môi trường được đưa ra trong báo cáo ĐTM chỉ là những sao chép “copy” nguyên văn từ “Báo cáo dự án đầu tư” của Formosa. Vì vậy, những cam kết của Formosa theo ĐTM này cũng không có gì đáng tin cậy.
Nên nhớ rằng, đối với dự án như của Formosa Hà Tĩnh, chi phí xử lý đúng và xử lý hết các chất thải (rắn, lỏng, khí) từ các lò coke, lò cao, lò hơi chiếm khoảng 10-15% chi phí của 1 tấn thép.
Theo ĐTM được duyệt 6/2008, thì Formosa sẽ đưa toàn bộ chất thải của các loại lò công nghiệp này ra lấp biển, tiết kiệm được 10-15% chi phí, nhưng sẽ gây nguy hại cho môi trường.
"Ở các nước có lò luyện than thành coke (Nhật, Nga, Ukraine) chất thải lỏng từ lò coke phải được đóng vào thùng kẽm, chôn xuống đất, và phải được quản lý như chất thải phóng xạ.
Trong ĐTM của Formosa không thấy đề cập đến giải pháp này. Formosa đã “mập mờ” giữa xỉ nhà máy điện (lò hơi) với chất thải rất độc hại của lò coke và lò cao để trốn tránh trách nhiệm.
Còn cơ quan tư vấn lập ĐTM và cơ quan quản lý phê duyệt ĐTM thì lại bỏ qua việc xử lý chất thải nguy hại này.
Cung cách quản lý dự án Formosa của chúng ta ngay từ đầu đã rất có vấn đề. Nếu cứ chờ xem lúc nào có hậu quả nghiêm trọng mới đóng cửa nhà máy thì phải hàng trăm năm nữa.
Theo Đất Việt
Theo Đất Việt
Đăng nhận xét