Halloween Costume ideas 2015

Mong ước nhỏ của người con Kỳ Anh xa quê




Bạn tôi, một cựu quan chức ở huyện nhà điện thoại bảo rằng, khổ cho người dân Kỳ Anh quá chú ơi, viết cái gì giúp bà con tiểu thương chợ cũ Kỳ Anh với…


Là một người con của mảnh đất phiên dậu Kỳ Anh, xa quê hương đã 40 năm rồi, bước chân đã đi qua bao nhiêu miền quê, phố thị, bao nhiêu quốc gia, lảnh thổ trên trái đất nhỏ bé này, nhưng có hiểu được gì mấy về nơi chôn nhau cắt rốn của mình đâu, ngoài 20 năm tuổi thơ nghèo khó và bom đạn, nhưng cũng rất thị vị và mộng mơ của tuổi học trò.

40 năm vật đổi sao dời, mọi thứ bây giờ đã khác xưa, dăm ba năm về thăm quê một lần cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa rồi lại ra đi, thấy cuộc sống của bà con tốt dần lên là mừng, nào có dám mơ mộng gì hơn.

Chỉ tiếc là mấy năm nay, từ khi khu công nghiệp cảng Vũng Áng đi vào hoạt động và công ty Formosa thuê đất, thuê biển đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân rất nhiều. Có người giàu lên nhờ được đền bù đất đai giải tỏa để lấy mặt bằng giao cho Formosa, có người đau đớn nhìn con cháu lạc bước dần vào lối sinh hoạt ăn chơi, trụy lạc, xa dần nếp sống truyền thống bao đời của ông cha….những điều đó thực ra là không thể tránh được trong sự vận động của quá trình phát triễn. Điều buồn và đau đớn nhất là hình như kinh tế càng phát triễn đi lên thì quan hệ giữa người dân và chính quyền càng xa cách và niềm tin càng thêm đổ vỡ. Bao nhiêu chuyện không vui đã xảy ra trên mảnh đất Kỳ Anh trong mấy năm qua ai cũng đã biết. Hôm nay lại thêm chuyện về cái chợ, chuyện tưởng chừng như rất đơn giản mà suốt mấy tháng nay làm đảo lộn sinh hoạt của rất nhiều người, không chỉ cho các tiểu thương mà cả chính quyền, thậm chí máu đã đổ xuống và nhà tù đã mở ra. Vì đâu nên nỗi thế hỡi người Kỳ Anh quê tôi ?

Khi mình xa nhà thì chợ cũ Kỳ Anh hiện nay chưa hề có, bây giờ Kỳ Anh tách thành 2 đơn vị hành chính riêng biệt, thị trấn cũ không còn là trung tâm chính, nhưng với những người Kỳ Anh xa quê như mình thì thị trấn Kỳ Anh cũ vẫn không thay đổi, cả trong ký ức và hiện tại vẫn là trung tâm của Kỳ Anh vậy thôi, trong mình không có khái niệm riêng rẽ thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh-Quê hương Kỳ Anh, thế là đủ.

Có điều gì lấn cấn ở đây mà giữa chính quyền và các tiểu thương không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến kiện tụng, đối đầu kéo dài ra tận tỉnh, tận trung ương ? Trong số bạn bè thông tin vào thì có nhiều người ủng hộ tiểu thương, nhưng cũng có người ủng hộ chính quyền, tất nhiên điều đó cũng dễ hiểu, bởi nó xuất phát từ “quyền lợi” của mỗi phía, mình ở giữa, lắng nghe cả hai chiều, hiểu được cái khó của mỗi bên, nhưng có biết được mô tê gì sâu xa bên trong đâu để ủng hộ bên nào. Chân lý thì chỉ có một. Phải tìm ra chân lý chứ !

Bên ủng hộ chính quyền cho rằng chợ mới xây khang trang, hiện đại, được sự đồng lòng của các tiểu thương, phần lớn bà con tiểu thương đã vào chợ mới, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ vì quyền lợi riêng mà nhùng nhằng, đòi yêu sách, làm khó cho chính quyền, làm mất an ninh trật tự chung nên phải cương quyết cưỡng chế, giải tán chợ cũ….
Bên ủng hộ và bà con tiểu thương chợ cũ thì cho rằng, chính quyền chỉ vì lợi ích nhóm, không hề bàn bạc với các tiểu thương về việc xây chợ mới, giải tỏa chợ cũ mà làm theo ý mình, phục vụ lợi ích của nhà đầu tư vì chợ mới xây là do tư nhân bỏ tiền làm, lúc đầu chỉ để giải tỏa các chợ xép khu vực xung quanh đó đưa vào chợ mới, nhưng không có ai vào vì giá thuê chợ quá đắt, không phù hợp với bà con tiểu thương nghèo…nên lảnh đạo huyện mới quyết định giải thể chợ cũ, cưỡng ép tiểu thương chuyển vào chợ mới với giá mua gian hàng hàng trăm triệu đồng, nên họ không có khả năng, lại cho rằng có người lừa đảo thay mặt họ ký vào biên bản đồng ý chuyển vào chợ mới…chữ ký trong danh sách để nhà đầu tư có cơ sở xin phép xây chợ là giả mạo…vì thế họ cương quyết phản đối, không vào chợ mới…

Cãi nhau thì ai cũng có lý của mình, vì thế mới cần có một ông mặt sắt, mà Bao Công thời nay lại sinh ra chỉ để phục vụ cho chế độ cầm quyền, thế mới khó cho dân . Chính quyền có quyền lực, có súng đạn, dùi cui, có chuyên chính vô sản, có cả một lực lượng hùng hậu bảo vệ là quân đội và công an, có cả khối người đang hưởng lộc ăn theo, lại có cả ông… ” Bao Công”, còn các tiểu thương thì có gì ngoài cái miệng để lý sự, la ó khi giận dữ và hai bàn tay trắng quơ lên trời, hỏi trời cao có mắt hay không…? Vì thế mà cuộc cãi vã nào thì cuối cùng… chính quyền “vì dân-do dân” vẫn thắng dân, ấy cũng là điều dễ hiểu.

Kinh nghiệm tự cổ kim vẫn không thay đổi, ai lấy được nhân tâm thì người ấy thắng. Mình vẫn có suy nghĩ là những người làm quan thời nay vẫn chưa trưởng thành được bao nhiêu, dẫn đến chính quyền trong tay họ vẫn không thay đổi được bao nhiêu.Khoa học quản lý xã hội hiện đại xác định chính quyền sinh ra là để phục vụ cho quyền lợi của nhân dân chứ không phải cho một tổ chức, đảng phái nào cả.Người dân đóng thuế nuôi bộ máy quan chức chính quyền là để bộ máy đó phục vụ lại cho mình, chứ không phải để cai trị họ. Nhưng các quan chức chính quyền hiện nay-dù là đã hội nhập kinh tế toàn cầu, bước vào sân chơi chung của thế giới- nhưng vẫn mang phong cách quan lại phong kiến, cho mình là cha mẹ của dân, đứng trên đầu trên cổ nhân dân, cho rằng cái gì thuộc về chính quyền đều đúng…nên có những quyết sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực, đến bát cơm manh áo, đến cuộc sống của người dân họ vẫn không cần tham khảo trước, bàn bạc trước, xin ý kiến đồng thuận trước của người dân…mà họ chỉ cần sự đồng thuận của các “đồng chí ” của mình trong bộ máy chính quyền là cho rằng hợp pháp rồi triễn khai, khi người dân phản đối mới tổ chức đối thoại, đặt người dân vào việc đã rồi…Đấy mới chính là nguyên nhân trước tiên dẫn đến mâu thuẫn và đối đầu, hiện trạng này lan tràn khắp cả nước Việt chứ không riêng gì mảnh đất nhỏ bé Kỳ Anh.

Việc tư nhân bỏ tiền xây chợ là hết sức bình thường, đấy là công việc kinh doanh hợp pháp, Kỳ Anh có thể xây một chợ, hai chợ, hoặc nhiều hơn, miễn là họ có mặt bằng, có tài chính, để thực hiện dự án kinh doanh thu lợi nhuận cho mình. Người dân, tiểu thương có vào buôn bán, kinh doanh trong chợ hay không là quyền của người dân, tiểu thương, đấy cũng là chuyện bình thường, làm sao cưỡng bức tiểu thương được kinh doanh nơi này mà không được nơi khác ? Thời kỳ mông muội đó đã qua rồi.Mình không hiểu sao vì chuyện một tư nhân bỏ tiền xây cái chợ mới mà dẫn đến việc xóa bỏ cái chợ cũ, rồi dẫn đến việc kiện tụng, đối đầu giữa tiểu thương với chính quyền, làm nên tai tiếng lan tràn ra khắp cả nước.

Ai là người ký giả chữ ký của tiểu thương, chuyện đó có hay không ? Nếu có thì đây là một việc làm phi pháp, trước tiên phải xử lý hành động giả mạo hồ sơ và từ cái sợi dây đầu mối này sẽ lần ra toàn bộ chân tướng của sự việc thôi, lẽ nào lại khó khăn đến thế.? Một sự việc nhỏ như cái chợ xép mà bộ máy chính quyền giải quyết không thuận tình hợp lý dẫn đến đổ máu, thử hỏi khi có chuyện quốc gia đại sự nữa, nhân dân còn trông mong gì ?

Nghe tin hôm qua các phóng viên của báo Người cao tuổi đã vào Kỳ Anh tìm hiểu tình hình cụ thể từ tiểu thương đến chính quyền thị xã để có ý kiến đề xuất với tỉnh, mình nghĩ đây là một tín hiệu rất tốt, mong giải tỏa được những vướng mắc, mâu thuẫn để ổn định cuộc sống của nhân dân Kỳ Anh. Riêng cá nhân mình cho rằng vị trí chợ Kỳ Anh cũ là mảnh đất vàng, đẹp và thuận tiện nhất của quê hương Kỳ Anh nói chung, trước, nay và sau này vẫn vậy, không nơi nào so sánh được, đừng vì chuyện tách huyện mà biến vùng đất này thành nơi lảng quên.Còn ngôi chợ cũ thật sự đã nhếch nhác, nếu có thể cải tạo lại hoặc xây dựng nơi đây thành một Trung tâm thương mại lớn hoặc một siêu thị hiện đại để bà con tiếp tục được ưu tiên kinh doanh thì không có gì bằng, hưởng lợi của sự văn minh không chỉ vì lợi ích cục bộ của thị xã Kỳ Anh mà phục vụ cho cộng đồng dân cư Kỳ Anh nói chung. Lợi ích của người dân là trên hết.Một mong ước nhỏ nhoi của một người con xa quê. Liệu rồi có thành sự thật không nhỉ ?
Mong lắm thay.

Nguyễn Xuân Lộc
Sài Gòn, 28/11/2015
Người Kỳ Anh


Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget