Halloween Costume ideas 2015

Hát Trên Những Xác Người - Trịnh Công Sơn và thảm sát mậu thân 1968




Trịnh Công Sơn cùng với tiếng hát Khánh Ly đã gắn liền với tôi từ còn nhỏ xíu, cái thời còn thịnh hành băng cassette. Tôi "bị buột" nghe bởi ngày nào ba mẹ cũng bật lên mà tôi chẳng thấy hay tí nào. Khi lớn lên tôi dần cảm thấy mình ngày càng yêu nhạc Trịnh và tiếng hát Khánh Ly, đầu tiền là sự hoài niệm về những ngày tháng xưa cũ, sau là những ca từ sâu sắc. Tôi không thường xuyên nghe nhạc Trịnh mà chỉ những lúc có tâm trạng đặc biệt  hoặc vào lúc đêm khuya mới bật lên, mới cảm thấy cái hay trong lời ca và tiếng hát chân phương của Khánh Ly. [Đang biên tập]


Trịnh Công Sơn, tác giả của những nhạc phẩm làm nhói lòng người nghe về biến cố Tết Mậu Thân 1968. 


Tôi biết Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ (xin viết tắt là TCS). Nhưng sau khi biết nhiều hơn về các tác phẩm của ông, tôi thích gọi ông là một nhà thơ. Cả hai đều không sai. Đối với riêng tôi, tôi nghĩ rằng nhạc của ông có thể dễ dàng đến với mọi người, dù người đó hát hay, hay hát không hay. Nếu ai có chất giọng tốt sẵn có thì quả thật tuyệt vời khi hát nhạc của ông. Còn nếu ai kém may mắn nên hát dở (như tôi chẳng hạn), thì cũng có thể hát nhạc của ông như đọc một bài thơ hay. Bằng cách đó, tôi đã thưởng thức bài “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” của TCS một cách tự nhiên, thoải mái bằng cách đọc đi đọc lại lời thơ ấy, trong khi tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly như vẫn còn trầm bổng, bay lượn đâu đây. Tiếng hát ấy như bay ngược về quá khứ, gọi thời gian của bốn mươi lăm năm quay về.

Mậu Thân ghi lại những hình ảnh qua âm nhạc, thực và rõ ràng hơn cả hàng trăm thước phim hay hàng loạt bài phóng sự. Mậu Thân sẽ không trôi qua trong quên lãng, khi hàng ngàn người, vừa thanh niên, vừa trí thức, vừa sinh viên, học sinh, phải chết chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Hai bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người,” và “Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô. Một người bạn thân của nhạc sĩ, là hoạ sĩ Trịnh Cung, hồi tưởng rằng Trịnh Công Sơn có kể với ông những tình tiết đã xảy ra cho người nhạc sĩ trong những ngày lưu lại Huế. Hoạ sĩ Trịnh Cung cho biết, tác giả bài ca Hát Trên Những Xác Người, suýt chút nữa, đã trở thành nạn nhân của Biến Cố Mậu Thân.

“Gia đình Sơn bị lùa vào tập hợp tại một điểm tập trung tại Huế. Em Sơn là Trịnh Quang Hà cũng bị lùa vào. May mắn cho Sơn, những người bộ đội là từ miền Bắc vào, họ không biết Sơn là ai. Chứ nếu Sơn bị những người địa phương bắt, thì chắc anh em Sơn cũng đã cùng chung một số phận tại mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu.

Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Đài, cũng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã khẳng định, hai nhạc phẩm viết nhân vụ Mậu Thân là sự ghi lại trong vai trò của một nhân chứng.

Ông viết: “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi “anh em ta về” thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần tuý do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”

Những nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy.

Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau: “Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi, rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”

Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968, đã để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí. Mậu Thân được mô tả, rất thực trong bản nhạc “Hát Trên Những Xác Người” ghi dấu địa danh Bãi Dâu.
Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn. Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con. Mẹ vỗ tay reo mừng xác con. Mẹ vỗ tay hoan hô hoà bình. Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng. Người vỗ tay cho đều gian nan. Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em. Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Chị vỗ tay hoan hô hoà bình. Người vỗ tay cho thêm thù hận. Người vỗ tay xa dần ăn năn.



Posted by NewVnnews - Tin Việt Nam mới on 31 Tháng 10 2015
Năm 1966, tình hình chính trị xã hội ở miền Nam bị xáo trộn không ít. Thành phố Huế chìm ngập trong không khí của hoảng loạn, bất an, với hỏa châu sáng rực trời đêm đêm, với các cuộc biểu tình diễn ra liên tục ngày qua ngày. Bàn thờ Phật, ghế đá trong công viên, hoặc bất cứ những gì có thể làm chướng ngại vật đã được người dân mang ra đường để chống lại sự đàn áp của chính quyền. Thế là ca khúc Người già em bé ra đời: Ghế đá công viên dời ra đường phố, người già co ro, hỏa châu mắt đỏ (Người già em bé). 

Tết Mậu Thân năm 1968, chiến trận ở Huế đã làm cho không biết bao nhiêu người phải bỏ mình, không chỉ những người cầm súng mà rất nhiều dân thường chết vì bom rơi đạn lạc, khắp thôn làng, trong ngoài thành phố. Anh Sơn đã ghi lại: Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu …(Bài ca dành cho những xác người). 

Và một bài khác: Chiều đi qua bãi dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trong khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con. Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, chị vỗ tay hoan hô hòa bình (Hát trên những xác người). Bãi Dâu trong ca khúc trên là một địa danh ở phía Đông thành phố Huế, gần bờ biển. Nếu không được chứng kiến một cảnh bà mẹ trở thành mất trí đi sau quan tài đứa con của mình, vừa vỗ tay, vừa cười vừa khóc, thì không thể hiểu được tại sao Trịnh Công Sơn lại viết: Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình. Không thể không xúc động cho những người vô tội bởi tết Mậu Thân năm đó

Trịnh Công Sơn ở Huế suốt thời gian Tết Mậu Thân và đã thấy những xác người khắp những con đường và những dòng sông, trên bậc thang của những căn nhà trống và trên vùng Bãi Dâu nổi tiếng, nơi có rất nhiều xác người được tìm thấy, nhiều người đã nghi ngờ bị giết bởi quân của Mặt trận Giải phóng và quân Bắc Việt. “Hát trên những xác người”, “Bài ca dành cho những xác người” được viết vào thời gian này là hai bài hát ám ảnh nhất và gợi hình nhất trong các bài ca phản chiến. Là một nhạc sĩ mà sáng tác đầu tay là những bài hát mơ mộng của khoé mi ướt lệ và chuyện tình phù du, Trịnh Công Sơn giờ đây viết về những xác người và những con người hoá điên vì cuộc chiến. Trong những bài hát này, Nhật Lệ cho rằng, “anh đã viết nên những bài hát như đùa chơi với ma quỷ, chết chóc, mà thực ra là nỗi đau thương nước đến bàng hoàng” (2001/1999, 146). Bài hát đầu có nhịp vui nhộn, nhưng khi chú ý đến lời ca, bạn sẽ nhận ra rằng bài này nói về những con người hoá điên vì chiến tranh, như người mẹ vỗ tay reo mừng xác của chính con của bà.

Tôi đến Huế sau Tết Mậu Thân và sống với một gia đình người Việt trong khu vực thành Nội. Bên kia đường là một tiệm nhỏ bán những băng nhạc và người chủ tiệm phát đi phát lại những bài hát buồn này, có lẽ để thu hút người mua. Kết quả là, những lời ca này hằn sâu vào tâm trí tôi, đặc biệt là những lời ca trong bài “Bài ca dành cho những xác người”: 
Xác nào là em tôi, 
dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, 
bên những vồng ngô khoai.

Tiếng ca của danh ca Khánh Ly đã theo tôi suốt trên đường về, đi vào cả giấc ngủ đêm đông, rồi đến những ngày sau, kéo dài suốt một tuần. Tiếng hát bay vào cả những bữa ăn, công việc. Tiếng hát bay bổng, vút cao ấy cất lên như một phương tiện để chuyên chở dòng nhạc làm rung động lòng người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cả ý và lời trong “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” đã ám ảnh tôi, thôi thúc tôi một điều gì không rõ.

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
Dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
Trên thềm nhà hoang vu
Mùa Xuân ơi xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới dù chông gai
Thì quanh đây đã có người
Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai.

Một thảm cảnh mà tôi chưa hề kinh qua, sao lại rõ ràng trong tâm thức. Xác người nằm rải rác khắp thơ ông là đối tượng. Chữ “tôi” duy nhất mà tác giả dùng ở cuối bài là chủ thể. Chủ thể chỉ có một mà sao đối tựợng lại quá nhiều, bao trùm cả thời gian và không gian.

Tác giả không thấy gì khác hơn ngoài những xác người chết. Có phải ông muốn ngụ ý rằng số người nằm xuống là biểu hiện của niềm đau đến từ cái chết, bao trùm thành phố, lên con người, đang phủ đầy khắp không gian: từ con sông, ruộng đồng, nóc nhà, con đường, thềm nhà, đến cả những nơi thanh tịnh như mái hiên chùa, giáo đường. Đó không phải là những hình ảnh, tiêu biểu, đặc trưng của đất nước Việt Nam sao? Không gian mà TCS đề cập đến là thứ không gian ba chiều: bên trên, bên trong, và bên dưới. 

Những xác chết ấy là ai? Ngoài những xác của những anh hùng, chiến sĩ, thanh niên mà tác giả không hề nhắc đến trong ca khúc - mà tôi phải ngầm hiểu họ nằm đó như một điều tất yếu hiển nhiên – còn có những cái xác của người già, bé thơ. Họ là hai thành phần vô tội điển hình. Ở cái tuổi mà họ không còn đủ sức hoặc chưa đủ tuổi để ra chiến trường, vậy mà cũng trở thành những cái xác không hồn trong mưa lạnh. Thật xót xa! Thật tội tình!

Bao thảm cảnh, tiêu điều, tang tóc ấy quyện dưới cơn mưa, hay như những giọt lệ trời nhỏ xuống, những mong xóa được nỗi đau mất mát thấu tận trời cao. Hay ít ra cũng làm nguôi đi cái nóng do đạn bom gây ra. Tôi tưởng tượng ra cảnh một người đang ngơ ngác, hốt hoảng, kinh hoàng chạy khắp càn khôn sau trận chiến. Không phải chạy trốn cái chết, mà là chạy để tìm kiếm người thân. Chạy đến đâu cũng gặp xác người. Từ những người bị giết lẻ tẻ nằm bơ vơ, đến cả những thềm nhà vốn dĩ phải có người ở cũng trở thành hoang vu.

Cho đến khi chạy đến một nấm mồ tập thể mà TCS gọi là hố hầm, đã phải thốt lên:
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này?
Câu hỏi được thốt lên, hay chỉ rên rỉ thì thào vì không còn hơi sức nữa, nghe có vẻ đơn giản nhưng là một mũi kim đâm vào trái tim khiến ai cũng đau lòng. Trong câu hỏi ấy chất chứa tất cả nỗi tuyệt vọng khi bắt đầu cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát, chia lìa.

Trong suốt chiều dài của bài ca, tôi chẳng nghe đâu là tiếng súng bắn tỉa, tiếng bom nổ, pháo kích, hay tiếng trực thăng quầng trên không trung. Cũng chẳng nghe một âm thanh nào của sự náo loạn, ngay cả tiếng reo hò của quân thắng trận mà tôi thường biết trong một cuộc chiến tranh qua các video clip. Tất cả thay thế bằng những thi thể bất động, nên chẳng âm thanh. Có chăng thứ âm thanh mà tôi cảm nghe được chỉ là tiếng kêu gào, than khóc, rên la phát ra từ cả người sống và kẻ chết.

Vậy thì nguyên nhân nào đã gây ra thảm cảnh lịch sử ấy? Khi đọc đến câu cuối cùng, tôi mới hiểu.
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai.
Lửa! Biết bao tang thương, hoang tàn, đổ nát, mất mát, chia ly đều chỉ do duy nhất từ lửa mà ra. Tôi bỏ qua ngọn lửa hữu hình để hiểu về lửa vô hình vô tướng ẩn tàng bên trong con người. Cái mà tác giả gọi là lửa kia là lửa của lòng sân hận, si mê, ganh tỵ, tư thù, hiếu chiến. Lửa của lòng háo thắng, không thỏa mãn khi nhìn kẻ khác an vui, chiến thắng, hơn mình. Đó là cả một vòng quay oan khiên của lòng người, của cuộc đời, là nguyên nhân gây ra tất cả mọi sự khổ đau.

Nỗi đau ấy sao không xảy ra vào lúc nào khác mà lại xảy ra vào mùa Xuân? Tết là mùa của sự đoàn viên, sum họp, vui vầy của người thân gia đình, dòng họ, dân tộc, của cả nuớc. Mùa Tết là mùa của sự yêu thương, gắn bó, hi vọng và hạnh phúc. Mùa Tết là mùa của sự khởi đầu. Vậy mà sự chết chóc, khổ đau, ly tán, oán thù lại kéo đến bất ngờ, cướp đi tất cả những điều thiêng liêng ấy. Để rồi tác giả thay mặt mọi người dân Việt Nam đau khổ kêu lên:



Mùa Xuân ơi xác nuôi thơm cho đất ruộng cày

Việt Nam ơi xác thêm hơi cho đất ngày mai



Tôi không biết phải nên gọi tiếng kêu ấy là gì. Là tiếng than trời trách đất , oán hờn kẻ thù gây nên nỗi đau thương? Không, đó chỉ là tiếng khóc tức tưởi, là tiếng rên la tuyệt vọng, là tiếng kêu gào một cách xót xa tội tình. Tiếng kêu ấy cũng thật bình tĩnh chấp nhận sự thật. Không còn muốn phân biệt đâu là người thân, hay người sơ nữa, mà tất cả cùng chung một giống nòi Việt Nam. Để cuối cùng nhìn nhận những thi thể kia sẽ là một phần rất gắn bó, hòa quyện, tan loãng và thẩm thấu cả thịt, máu, xương vào mảnh đất thương yêu. Để khẳng định những linh hồn ấy là nguồn động lực, an ủi, khuyến khích, phấn đấu trên bước đường đi tới.



Đường đi tới dù chông gai

Thì quanh đây đã có người



Tôi không biết chính xác thời gian ra đời của ca khúc, nhưng nghe đâu được TCS sáng tác đã gần 40 năm. Đó là một bức tranh sống dẫu trong ca khúc người ta chỉ thấy toàn những xác người chết. Bức tranh được TCS vẽ lên bằng những lời thơ gợi hình, gợi cảnh từ những cái xác bất động nhưng không hề vô cảm; bằng những dòng nhạc tựa như lời chia sẻ xót thương; đã hợp tấu thành những âm thanh từ tiếng kêu gào hay rên rỉ của người còn sống, cả âm thanh phát ra từ những linh hồn. Âm thanh từ sự im lặng. Một bức tranh quê hương trong thời chiến không có màu của khói lửa đạn bom. Không có màu xanh êm ả của ruộng lúa, hay màu xanh thanh bình của trời cao; không có màu vàng bình yên của nắng ấm; không có màu đỏ của lòng nhiệt huyết từ mặt trời. Một bức tranh chỉ có duy nhất một màu tang chết chóc.

Tôi không rành về âm nhạc, không rành về những nốt cơ bản, không phân biệt được nốt nào trầm nốt nào bổng, nốt nào du dương, nốt nào thánh thót... nên tôi không nói về âm hưởng phát ra từ cung bậc của cây đàn, tiếng sáo. Nhưng tôi có thể nghe được tiếng khóc than, kêu gào hoặc chỉ rên rỉ của những người còn sống bất lực gọi tên người thân đã nằm xuống một cách tức tưởi bằng những dòng lệ không ngừng tuôn chảy. Lệ chảy để làm đầy lại những dòng sông đã cạn vì ngập xác người.

Ngoài bài ca này, TCS còn có một bài ca khác, cũng nói về thảm cảnh chết chóc trong chiến tranh, đó là bài “Hát Trên Những Xác Người.”

Hai bài ca, hai tiết điệu và âm hưởng khác nhau nhưng cùng một nỗi đau thống thiết trước những xác chết trong chiến tranh. Nhưng suy cho cùng cũng chẳng sai.

Thiết nghĩ, nhạc của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly đã không chỉ dành cho những người đã nằm xuống, trở thành cái xác bơ vơ, linh hồn vất vưởng đâu đó ngay trên miền đất quê hương; mà còn nói lên sự đồng cảm đối với những người còn đang sống. Những người sống lúc bấy giờ cũng chính là những xác người. Nỗi đau riêng cùng nỗi đau chung đến cùng lúc trong tâm hồn, tàn phá thể xác. Xác thân ấy còn sống nhưng rã rời, mềm nhũn. Họ quá đau đớn khi đang mang niềm đau mất mát-mất cả người thân, gia đình, đồng bào, trong tang tóc, thảm cảnh của phân chia. Họ còn sống, còn hơi thở, còn cảm nhận được niềm đau, còn than khóc, kêu gào, còn chảy được nước mắt... Nhưng họ có khác chi những cái xác không hồn kia. Họ đang đau khổ, lạy lục, than thở, rên rỉ gọi tên chồng, tên con, anh em bên nấm mồ tập thể, hoặc cạnh những nấm mồ chôn vội, bên bàn thờ lộ thiên, không một bức ảnh thờ cho kẻ quá cố. Không một nén hương. Hay họ không cần một nén hương nào bởi nếu có cũng bị khói lửa của đạn bom lấn lướt, ngập tràn, phủ đầy cả thôn xóm, cả góc trời. Tuy vậy sao tôi vẫn cứ thấy quanh đâu đó làn khói xám trắng nhẹ bay ra từ những vành khăn tang quấn vội trên đầu (hay đó là những linh hồn đang lìa khỏi xác bơ vơ, bắt đầu cho linh hồn vất vưởng).

Bài ca với lời thật ngắn nhưng được viết nên từ cái nhìn mênh mông bao la từ không gian của thảm kịch lịch sử. Tôi ngầm hiểu được chiều sâu vượt cả ý và lời mà TCS đã gửi gấm trong nhạc phẩm của ông. Trước hết giúp tôi hiểu phần nào hậu quả của biến cố năm Tết Mậu Thân năm 1968, qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly, qua bức tranh mà TCS đã vẽ, qua nhận thức của riêng tôi. Để rồi từ đó khởi lên lòng từ bi nhân ái. Để trân quý cuộc sống tự do hiện tại. Để sống tốt, trải rộng lòng mình với chúng sanh, trải tình thương yêu thông cảm. Để không gây đau khổ cho bất cứ ai.

Tôi đang ngạc nhiên và tự cười mình. Tôi có phải sành về âm nhạc đâu, và hiển nhiên tôi cũng không phải là nhà bình thơ. Cũng chẳng phải là người cảm nhận sâu sắc về một tác phẩm văn chương hay tác phẩm âm nhạc nào. Có những bài hát của TCS, dù rất muốn thuộc làu nhưng với trí nhớ kém như tôi, tôi chỉ thuộc vài câu, không trọn vẹn (ngoại trừ một vài bài đặc biệt chỉ cần nghe qua một lần đã thuộc). Bất cứ khi nào nghe nhạc ông, tôi cứ ư ử theo điệu nhạc, có khi hát thành tiếng nho nhỏ đủ một mình tôi nghe... Rồi cuối cùng tôi mặc kệ những tự cảm ấy; mặc kệ những điều ít ỏi tôi biết về cuộc đời ông; mặc kệ những kiến thức hạn hẹp về văn chương, thơ ca và âm nhạc; mặc kệ những nhận xét nông cạn và chủ quan của mình; tôi cứ viết, vì trong phút giây tĩnh mịch một mình nơi thư phòng, tôi nghĩ rằng tôi phải viết. Tôi chỉ biết là tôi đang cảm và viết về một nhạc phẩm đã làm tôi vô cùng cảm động của một nhạc sĩ tài ba mà tôi từng mến mộ và rât yêu thích rừng thơ, rừng nhạc của ông.

Sau 6 năm kể từ ngày TCS mất, không biết có muộn màng hay không khi đêm nay tôi sẽ dành riêng cho ông một lời cầu nguyện trong buổi cầu nguyện hàng đêm trước khi đi vào giấc ngủ: nguyện cầu cho linh hồn ông sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc, miền có mặt của an vui, miền của hạnh phúc.



Đêm thắp nến bỗng hiện rõ ràng như in khi tôi vừa khép mắt.

Khi ngọn nến được mồi lên, khối sáp cứng bắt đầu mềm và tan chảy. Ngọn nến nhỏ màu trắng trong tay khiêm nhường tỏa ánh sáng nhẹ nhàng, lung linh. Tôi không nhìn xung quanh nhưng vẫn cảm nhận được cả hội trường đang lấp lánh hàng trăm ngọn nến ấm áp giữa đêm đông. Tôi chăm chú nhìn vào ngọn nến trên tay mình. Có khi nhắm mắt lắng nghe và nhẩm theo lời cầu nguyện của Thầy. Rồi tôi lại mở mắt, ngọn nến vàng vọt vẫn lung lay, cháy sáng. Khối sáp đã loang chảy thành vòng tròn rộng hơn dưới trung tâm của tim đèn, phản chiếu ánh sáng từ ngọn lửa nhỏ. Lòng chợt rưng rưng như ngọn nến nhẹ lay theo hơi thở mềm.

Không dưng tôi lại nghĩ rằng khối sáp kia không phải chảy ra từ sức nóng của ngọn lửa mà chúng chảy ra do hơi ấm của tình người. Khi con người biết nghĩ về nhau, biết thương yêu nhau, biết chia sẻ nỗi đau của người khác thì chắc chắn ngọn lửa của từ bi bác ái sẽ được thắp lên, cháy sáng, soi đường và làm tan chảy bất cứ tảng băng lạnh lùng nào.

Sáp nến tan chảy như thay cho những gịot lệ xót thương.

Sau nhiều lần ngần ngại, tôi thổi cho ngọn nến tắt đi bằng một cái thở ra thật nhẹ. Lửa tắt. Một sợi khói mỏng bay ra từ tim đèn đã trở thành màu đen. Mùi khen khét. Hơi ấm vẫn còn. Rồi dần nguội. Tôi thấy sáp bắt đầu đông khô lại, cứng cáp như ban đầu, nhưng hình dạng nguyên thủy không còn nữa. Ngọn nến được thu gom và cất giữ lại. Tôi nghĩ, rồi ngọn nến sẽ lại được sẵn sàng thắp lên bất cứ lúc nào một khi đã một lần được cháy. Ngọn nến giúp tôi xác định điều mà tôi từng biết. Ngọn nến được thắp lên rồi tắt đi đều do nhu cầu khi nhân duyên đã đủ. Ngọn nến tuy nhỏ nhưng không chỉ là thứ ánh sáng soi đường dẫn lối cho những vong linh tìm về nơi an trú, giúp họ cảm thấy bớt bơ vơ lạc lõng quạnh hiu giữa hận thù, mà còn sưởi ấm vết thương lòng cho những chứng nhân lịch sử năm nào đã hiện diện trong đêm thắp nến tưởng niệm và nguyện cầu ấy.

Tôi thấy mình thật giống ngọn nến trong đêm ấy. Có lúc cứng cỏi, nhưng cũng rất dễ dàng bị tan chảy ra. Ngọn nến chịu tan chảy ra để mang đến cho đời một khoảng sáng, một hơi ấm giữa cuộc đời dày đặc bóng đen vô minh  và sự lạnh lùng.

Sau 40 năm dài đăng đẳng mà tưởng chừng như mới hôm qua, người ta nhìn về niềm đau âm ỉ. Không phải để hận thù hay khơi lại tội lỗi của cuộc chiến sai lầm năm xưa, mà chỉ để tưởng nhớ, hoài niệm, xót thương, cảm thông, tri ân những người đã nằm xuống , bỏ thân xác trên quê hương còn nhiều thống khổ của hận thù, của chiến tranh. Để cùng nhau để tang chung, cùng nhau góp lời nguyện cầu cho các vong linh siêu sinh về nơi an lạc.

Và đêm ấy, như bao người, tôi cũng đã trân trọng ngọn nến trong hai tay. Đã có lúc tôi nhìn về quá khứ của mình. Chắc có một số người biết rõ về tôi sẽ ngạc nhiên lắm về điều này. Bởi tôi có quá khứ gì đau thương đâu mà phải nhìn lại, phải tưởng nhớ. Rồi buộc tôi phải suy tư đi tìm một câu trả lời không tưởng. Tôi cũng chẳng hiểu vì đâu. Chỉ biết trong một sát na nào đó trong đêm nay khi nhớ về đêm thắp nến, đã có những dao động thật mạnh khiến tôi nghĩ nhiều về bản thân mình trong ngàn kiếp xa xưa, hay gần nhất là 40 năm trước.
Vào khoảng thời gian giữa cơn đau máu lửa ấy, tôi là ai? Tôi là cái gi? Tôi là thứ gì? Tôi đã ở đâu? Tôi đã làm gì
Tôi từng ở đâu trong mười cảnh giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, nhân loại, thiên đạo, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật Đà).
Tôi từng là con ong, cái kiến, con trùng, con dế? Tôi từng là hạt cát, hòn sỏi, chiếc lá, bọt biển?
Hay đã may mắn hơn từng là hữu thân như một con người?
Và nếu quả thật là như vậy, thì biết đâu tôi từng là một trong hàng ngàn vong linh vất vưởng trong biến cố năm xưa, hội đủ cơ duyên lắng nghe lời cầu nguyện của một ai đó hay của một tập thể người có tình thương xót sâu xa vẫn nhớ nghĩ về người đã khuất. Và kết hợp với phước đức tu tập được tích lũy từ vô số a tăng kỳ kiếp, tôi đã siêu thoát và tái sinh trở lại thành người như hôm nay.

Sau một thoáng tự hỏi mình là ai trong quá khứ, tôi nhận ra rằng giây phút hiện tại thật đáng quý biết bao. Được tái sinh làm người là hy hữu. Tôi xin dùng tâm thức ẩn náu bên trong xác thân tứ đại giả hợp này mà nguyện cho trên đời này không còn sự hiện hữu của lòng tham sân si để mọi chúng sinh luôn được sống trong hòa bình, tự do, an lạc và hạnh phúc.

Mùa Xuân đang về, niềm vui riêng không thể xóa được nỗi đau chung quá lớn của Xuân xưa. Thế nên, cho dù có một đêm, ngàn đêm, hay không có  đêm thắp nến nào thì niềm đau ấy vẫn cứ âm ỉ, hằn sâu, nguyên vẹn, và lặng lẽ nằm trong tận cùng tâm khảm, vẫn nghẹn ngào tràn dâng thành những giọt nước mắt mỗi độ Xuân về. Xin chắp tay nguyện cho những giọt nước mắt ấy sẽ biến thành những giọt cam lồ mầu nhiệm tươi mát đồng loạt nhỏ xuống và chữa lành từng vết thương kia.

Dẫu sao đó cũng chỉ là một biến cố lịch sử không thể nào đổi thay. Duy chỉ có thời gian là bình thản trôi. Đã 40 năm lặng lẽ trôi qua. Tôi không hề có ý định gì cho một bài viết nhỏ mang nhiều cảm xúc riêng tư, nên khó tránh cái nhìn chủ quan. Cũng không có một hướng nghĩ lệch thiên về một chế độ nào. Chỉ mong những dòng thô thiển này của kẻ được sinh ra và lớn lên trong thời không còn chiến tranh, có thể chia sẻ chút niềm đau với những ai cùng là con người Việt Nam, nhất là những chứng nhân lịch sử nay tóc đã ngả hai màu, có vị tóc đã bạc phơ, đã phải gửi gấm tuổi xuân và sức khoẻ của mình nơi chốn tha hương, trong khi vẫn canh cánh trong lòng vận mệnh của quê hương xa vợi.


"Tết Mậu Thân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như bình thường về thăm nhà và bị kẹt ở Huế. Tôi rất sợ anh gặp những chuyện không may. sau đó, tôi biết anh trốn ở trường tiểu học hay trung học ở Huế, dòng chúa Cứu thế. Tôi đã gửi cho anh 3000 và 1 cây thuốc Lucky. Sau đó, anh gặp tôi và khen là đã gửi cho anh điều anh cần là cây thuốc lá, vì cây thuốc đó là Lucky. Và anh có kể cho tôi nghe là anh không thể ăn cơm được nữa, trong suốt mấy tháng sau đó. Bởi vì, trong cuộc đời của anh, dẫu có lần đã thấy những cái chết, đã gặp những xác chết, nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy người ta chết mà nhiều kiểu khác nhau như thế. Có những người ở dưới hố hầm gần như bị chôn sống, vẫn giơ 2 tay lên như để phòng vệ, nhưng cuối cùng họ vẫn phải chịu số phận hẩm hiu phải chết dưới những hố hầm. Và sau đó nhiều tháng, người Huế mới đào được những cái xác đó. 
Cả thành phố Huế để tang. Cả thành phố Huế không còn tiếng cười, những tiếng chào, chỉ còn tiếng khóc. Có nhiều người khóc ra tiếng và nhiều người không còn hơi sức để mà khóc nữa. 

Đó là những gì Trịnh Công Sơn đã kể cho tôi nghe."
Khánh Ly

Xin thắp nén hương tưởng nhớ hơn 7.000 người, vừa thanh niên, vừa trí thức, vừa sinh viên, học sinh, phải chết chỉ trong chưa đầy 1 tháng đã nằm xuống trong biến cố Mậu Thân 1968.
Hơn 45 năm qua người Huế đã cố quên đi nỗi đau đớn mỗi khi xuân về tết đến, nhưng trong tim của biết bao nhiêu người “Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa.
Chiến tranh đương nhiên có hy sinh, nhưng diệt chủng là tội ác. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh khi đã chôn sống, giết hại hàng ngàn người dân vô tội, không có gì tự vệ. Đổ lỗi cho chiến tranh là ngụy biện một cách đê hèn. Biến cố mậu thân,thật đau lòng,nếu ko ai nhắc lại thì sự thật sẽ bị che dáu,lịch sử sẽ bị xuyên tạc và thế hệ sau sẽ ko biết được tội diệt chủng đó.
Đất nước đã đi vào cái quỹ đạo "hòa bình dân chủ", nhưng những bài hát vẫn không thể nào xóa nhòa đi những nỗi đau đớn tột cùng của 1 cuộc chiến, cuộc chiến ấy do ai khơi mào, cuộc chiến ấy đem lại lợi ích cho ai, cuộc chiến giải phóng điều gì, năm nay đã 21 tuổi đời nhưng từ khi rời ghế nhà trường đến giờ mình cũng chả hiểu tại sao đất nước Việt lại phải như vầy, như bây giờ............. Buồn thương thay một nước Việt đau buồn Buồn thương thay những người Mẹ Anh Hùng Buồn thương thay cho những người đã chết Buồn thương thay cho những đứa con xa rời đất Việt




Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget