Halloween Costume ideas 2015

Chủ nghĩa tư bản giãy chết, ngày tàn đã tới?


NewVnNews - Bài viết công phu của nhà báo Paul Mason đăng trên tờ The Guardian đặt ra một vấn đề tạo ra rất nhiều tranh cãi, nhưng đáng để bàn luận và rất có giá trị trong thời điểm hiện tại.
NewVnNews_Chu-nghia-tu-ban-giay-chet-ngaytan-da-toi
Có thể chúng ta không chú ý, nhưng tất cả đang bước vào thời kỳ hậu tư bản chủ nghĩa. Tâm điểm của thay đổi là công nghệ thông tin, là các phương thức lao động mới, là nền kinh tế chia sẻ. Những cách làm cũ vẫn còn đó và còn lâu mới mất đi hoàn toàn, nhưng bây giờ là lúc dành cho thời kỳ không tưởng.
Cờ đỏ và hành khúc của Đảng Syriza trong khủng hoảng Hy Lạp, cùng kỳ vọng các ngân hàng sẽ bị quốc hữu hóa, đã tái sinh một giấc mơ từ thế kỷ 20: Áp đặt thị trường tự do bằng ý chí từ trên xuống.
Bởi lẽ trong phần lớn thế kỷ 20, giấc mơ ấy chính là hình dung của người cánh tả về giai đoạn đầu tiên của nền kinh tế hậu tư bản. Ý chí đó đại diện cho giai cấp công nhân, hoặc qua phiếu bầu hay trên các chiến lũy tranh đấu. Nhà nước sẽ là đòn bẩy. Cơ hội sẽ đến qua những đợt sụp đổ kinh tế.
Hậu tư bản, một giấc mơ đang thành hình
Ấy vậy mà trong 25 năm qua, chính giấc mơ của phe cánh tả, chứ không phải thị trường, mới là thứ sụp đổ. Kinh tế thị trường làm lu mờ kế hoạch hóa, và chủ nghĩa cá nhân thay thế chủ nghĩa tập thể.
Nếu ta sống qua chừng này thứ mà vẫn ghét bỏ tư bản thì thật là trải nghiệm đau buồn. Nhưng trong quá trình ấy công nghệ đã tạo ra một ngả đường khác.
Tư bản, hóa ra, không thể bị xóa bỏ bởi cờ đỏ và quân hành. Nó sẽ bị diệt vong khi chúng ta tạo ra một cái gì đó năng động hơn mà thoạt tiên không ai chú ý bên trong hệ thống cũ, nhưng rồi sẽ đột phá, tái cấu trúc nền kinh tế xoay quanh các giá trị và hành vi mới. Tôi gọi nó là hậu tư bản chủ nghĩa.
Tương tự hồi kết của chủ nghĩa phong kiến 500 năm trước, sự thay thế của hậu tư bản sẽ được đẩy mạnh bằng các tác lực bên ngoài, và nhào nặn bởi sự ra đời của một nhân loại mới. Quá trình đó đã bắt đầu.
25 năm qua, công nghệ thông tin đã khiến cánh cửa dẫn đến thời kỳ hậu tư bản hé mở. Đầu tiên, nó làm giảm sự cần thiết của việc làm, làm mờ ranh giới giữa lao động và nghỉ ngơi, cũng như cơi giãn mối quan hệ giữa công việc và tiền lương.
Làn sóng tự động hóa đang đến, nhất thời còn bị kìm hãm do hạ tầng xã hội hãy còn chưa thể gánh nổi các hệ quả, sẽ xóa bỏ phần lớn công việc phải làm - không chỉ giúp loài người tồn tại, mà còn mang đến cuộc sống bền vững cho tất cả.
Thứ hai, thông tin đang làm xói mòn khả năng định giá đúng của thị trường. Đó là vì các thị trường dựa trên sự khan hiếm trong khi thông tin lại tràn ứa. Cơ chế tự vệ của hệ thống là hình thành các tổ chức độc quyền - các tập đoàn công nghệ khổng lồ - với quy mô trong 200 năm qua chưa từng thấy, nhưng chúng cũng không thể bền vững.
Khi kiến tạo các mô hình kinh doanh và chia sẻ các giá trị dựa trên việc thâu tóm và tư nhân hóa tất cả thông tin xã hội tạo ra, các  tập đoàn này đồng thời tạo ra một hệ thống kinh tế đi ngược với lợi ích của nhân loại, đó là được tự do sử dụng các ý tưởng.
Thứ ba, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy bột phát của sản xuất hợp tác: hàng hóa, dịch vụ cũng như các tổ chức đang dường như không còn đáp lại những bắt buộc của thị trường và của trật tự quản lý. Sản phẩm thông tin lớn nhất trên thế giới - Wikipedia - được tạo nên từ các tình nguyện viên hoàn toàn miễn phí, đã xóa bỏ ngành kinh doanh bách khoa toàn thư và tước đi 3 tỉ USD doanh thu hàng năm của ngành quảng cáo.
Gần như hoàn toàn không được để mắt tới, trong những xó xỉnh và ngõ ngách của hệ thống thị trường cũ, những mảng lớn của đời sống kinh tế đang bắt đầu chuyển động theo một nhịp điệu khác. Các đồng tiền song song, ngân hàng thời gian, các hợp tác xã và không gian tự quản bắt đầu sinh sôi, gần như nằm ngoài sự chú ý của các nền kinh tế, và làm lung lay các cấu trúc cũ xưa sau cuộc khủng khoảng 2008.
Ta chỉ khám phá thấy nền kinh tế mới này nếu tìm nó thật kỹ. Ở Hy Lạp, khi tổ chức phi chính phủ vẽ ra bản đồ hợp tác xã lương thực, các nhà sản xuất thay thế, các đồng tiền song song và hệ thống hối đoái tại chỗ, người ta phát hiện ra hơn 70 dự án lớn và hàng trăm dự án nhỏ hơn, từ chiếm dụng đất công, chia sẻ phương tiện cho đến nhà trẻ miễn phí. 
Với kinh tế học chính thống, những dự án trên khó có thể coi như một hoạt động kinh tế - nhưng vấn đề nằm ngay ở đó. Các dự án đó tồn tại bởi vì chúng kinh doanh, dù chập chờn và kém hiệu quả, bằng chính tiền tệ của hậu tư bản: Thời gian rỗi, hoạt động kết nối cộng đồng và sản phẩm miễn phí.
Nó thoạt trông thì tủn mủn, tạm bợ và thậm chí còn nguy hiểm nếu cho rằng những hoạt động ấy có thể thay thế cho hệ thống kinh tế toàn cầu, nhưng tiền và tín dụng trong thời Edward III (vua Anh từ 1312-1377) cũng hoàn toàn có tính chất tương tự.
Các hình thái sở hữu mới, vay mượn mới, hợp đồng pháp lý mới: cả một nhóm văn hóa doanh nghiệp đã hình thành suốt 10 năm qua, mà media gọi dưới tên gọi nền kinh tế “chia sẻ”. Các từ ngữ thời thượng như “hàng hóa chung" và “hàng hóa hợp tác xã" tràn lan khắp nơi, nhưng ít ai thắc mắc liệu những biến động này có ý nghĩa như thế nào đối với tư bản chủ nghĩa.
Tôi tin nó cung cấp một lối thoát - nhưng đó là chỉ khi các dự án vi mô được nuôi dưỡng, khuyến khích và bảo vệ bởi một sự thay đổi cốt yếu trong các chính phủ vận hành. Và thay đổi đó phải được duy trì bởi thay đổi trong nếp nghĩ của chúng ta về công nghệ, sở hữu và việc làm.
Để mà, khi tạo ra các yếu tố của hệ thống mới, ta có thể nói với bản thân và người khác: “Đây không chỉ đơn thuần là cơ chế sinh tồn của tôi, không phải là một chốn nương thân trước thế giới tân tự do; mà đó chính là một lối sống mới đang từng bước hình thành”.
Các yếu tố then chốt mở ra thời kỳ mới
Cuộc khủng khoảng tài chính 2008 quét sạch 13% sản lượng sản xuất toàn cầu và 20% sản lượng mậu dịch toàn cầu. Tăng trưởng toàn cầu trở về mức âm - ở quy mô mà bất cứ con số nào dưới +3% đều được xem là suy thoái.
Ở phương Tây, nó tạo ra một giai đoạn khủng hoảng lâu dài hơn đại khủng hoảng 1929-1933, và thậm chí lúc này đây, giữa sự phục hồi yếu ớt, vẫn khiến các nhà kinh tế lớn bàng hoàng trước viễn cảnh trì trệ dài kỳ. Các dư chấn khủng hoảng Châu  Âu đang xé lục địa này thành từng mảnh.
Giải pháp đưa ra là chính sách thắt lưng buộc bụng song song với đổ thêm tiền vào nền kinh tế. Nhưng cả hai đều không hiệu quả. Ở những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất, hệ thống hưu trí đã bị phá hủy, độ tuổi hưu đẩy đến 70, và giáo dục đang bị tư hữu hóa khiến sinh viên ra trường giờ đây đối mặt với món nợ suốt đời. Dịch vụ đang bị xé nhỏ, các dự án hạ tầng đình trệ. 
Thậm chí ngay thời điểm này người ta vẫn chưa thể hiểu nổi ý nghĩa thực sự của chữ “chính sách thắt lưng buộc bụng”. Nó không phải 8 năm cắt giảm chi tiêu ngân sách như ở Anh, càng không phải khủng khoảng xã hội diễn ra ở Hy Lạp. Nó có nghĩa là hạ lương, phúc lợi xã hội và mức sống ở phương Tây xuống vài thập kỷ cho đến khi ngang bằng với mức lương, phúc lợi và mức sống đang tăng lên của giai cấp trung lưu ở Trung Quốc và Ấn Độ
Trong khi đó, thiếu vắng một mô hình thay thế, các điều kiện cho một cuộc khủng hoảng kế tiếp đang được kết tập. Lương thực đã giảm, hoặc giữ nguyên tại Nhật, các nước phía Nam khu vực đồng euro, ở Mỹ và Anh.
Hệ thống ngân hàng đã phục hồi và giờ đây đang có quy mô lớn hơn trước năm 2008. Các quy định mới buộc ngân hàng có nguồn dự trữ lớn hoặc đã mất tác dụng hoặc bị trì hoãn. Đồng thời, 1% trở nên giàu có hơn, sau khi tắm tưới bằng tiền tự do.
Khi đó, chủ nghĩa tân tự do đã biến thành một hệ thống tuần hoàn những thảm bại. Tệ hơn, nó đã phá vỡ lề lối 200 năm của chủ nghĩa tư bản công nghiệp mà ở đó khủng hoảng kinh tế sẽ kích thích các hình thức cải tiến công nghệ mang lại lợi ích cho mọi người.
Đó là bởi chủ nghĩa tân tự do chính là mô hình kinh tế đầu tiên trong 200 năm qua lấy sự kìm hãm tiền lương, đập vỡ quyền lực xã hội cũng như sự đàn hồi của giai cấp lao động làm tiền đề phát triển.
Nếu xem lại các giai đoạn phát triển cực thịnh được các lý thuyết gia chu kỳ dài nghiên cứu - giai đoạn 1850 ở Châu  Âu, 1900 và 1950 trên toàn cầu - chính sức mạnh của lao động có tổ chức đã buộc các doanh nghiệp tự và tập đoàn chấm dứt việc hà hơi thổi ngạt cho các mô hình kinh doanh lỗi thời bằng việc cắt giảm lương, mà buộc phải sáng tạo để thích ứng với hình thức tư bản mới.
Kết quả cho thấy, ở mỗi đợt phục hồi, chúng ta tìm thấy một khối kết hợp giữa tự động hóa, lương tăng và tiêu thụ giá trị lớn hơn. Ngày nay không còn sức ép từ lực lượng lao động, và công nghệ với vai trò là cốt lõi của làn sóng cải tiến không còn đòi hỏi phải tạo ra sức mua lớn hơn, hay cải tiến lực lượng lao động cũ cho các công việc mới. 
Công nghệ thông tin là chiếc máy nghiền nát giá mọi thứ thấp hơn và cắt phăng đi thời gian lao động cần thiết để duy trì cuộc sống trên hành tinh này.
Kết quả là phần lớn những nhân tố kinh doanh đã trở thành những kẻ phá hoại kiểu mới với công nghệ. Đối mặt với triển vọng xây dựng những phòng thí nghiệm giải mã bộ gene, họ lại mở các quán cà phê, tiệm làm móng và sở vệ sinh theo hợp đồng: hệ thống ngân hàng, hệ thống hoạch định và nền văn hóa tự do quá cố rốt cuộc chỉ thưởng ban cho kẻ nào tạo ra các công việc giá trị thấp, tốn hao thời gian.
Các cải tiến đang diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa khai mào cho cuộc phát triển lớn thứ 5 cho chủ nghĩa tư bản mà lý thuyết chu kỳ dài mong đợi. Nguyên nhân nằm tại bản chất của công nghệ thông tin.
Cuộc cách mạng của internet và công nghệ thông tin
Vây quanh chúng ta không chỉ là các cỗ máy thông minh, mà là cả một thực tại mới lấy thông tin làm tâm điểm. Hãy thử hình dung một chiếc máy bay: nó được một chiếc máy tính vận hành; được thiết kế, kiểm tra và “chế tạo giả lập” hàng triệu lần; nó thậm chí cung cấp thông tin thời gian thực ngược về cho nhà sản xuất. Trên máy bay, mọi người dán mắt vào đủ loại màn hình, và ở một số nước may mắn hơn, còn được kết nối internet.
Nhìn từ mặt đất, phi cơ chính là con chim sắt trắng khổng lồ như thời James Bond. Nhưng lúc này nó là một cỗ máy thông minh và là một chấm phá trong toàn hệ thống. Nó có nội dung thông tin và đóng góp giá trị thông tin lẫn giá trị vật chất cho thế giới. Trong một chuyến bay thương mại nghẹt cứng khách, khi ai cũng nhìn vào Excel hay PowerPoint, khoang hành khách chính là một nhà máy sản xuất thông tin.
Nhưng giá trị của bằng này thông tin là gì? Ta sẽ không tìm thấy câu trả lời trong tài khoản ngân hàng truyền thống: Các tài sản trí tuệ chỉ được ước tính trong các tiêu chuẩn kế toán hiện đại. Một nghiên cứu của Viện SAS 2013 cho thấy, không thể định giá được thông tin từ chi phí thu thập, từ giá trị thị trường hay thu nhập tương lai mà nó mang lại.
Chỉ có thể thông qua một hình thức kiểm toán đã bao gồm các lợi ích phi thương mại, và cả các rủi ro, mà các công ty mới có thể thực sự giải thích cho cổ đông trị giá thực sự của thông tin. Đã xuất hiện gãy đổ trong logic mà chúng ta vẫn dùng để định giá cho thứ quan trọng nhất của thế giới hiện đại.
Tiến bộ công nghệ lớn của đầu thế kỷ 21 không chỉ bao gồm những chủ thể và quá trình mới, mà còn ở những thứ cũ đã được làm cho thông minh hơn. Nội dung kiến thức của sản phẩm đang trở nên giá trị hơn nguồn lực vật chất tạo ra chúng. Nhưng đó là giá trị đo bởi sự hiệu quả, không phải giá trị quy đổi hay tài sản. 

Thủ tướng Hy Lạp:
Chủ nghĩa xã hội bùng lên và huy hoàng thời kỳ có Lê-nin, rồi vụt tắt những năm 90 thế kỷ trước, hiện tại còn rất ít quốc gia vẫn kiên định theo nó một cách dò dẫm, chưa tạo được thành tựu gì, chưa có được học thuyết kinh tế rõ ràng cho giai đoạn quá độ này, chịu nhiều dư luận cho rằng học thuyết của Các Mác là sai lầm, thực tế đổ vỡ của phần lớn Nhà nước XHCN là chứng cứ sống động, và các Nhà nước XHCN hiện tại đang yếu thế, thậm chí tụt hậu.
Đọc tiếp...
Các nhà kinh tế và chuyên gia công nghệ thập niên 90 bắt đầu có cùng suy nghĩ: rằng vai trò mới này của thông tin đang tạo ra một thứ tư bản mới, thế hệ thứ ba - khác với tư bản công nghiệp và tư bản nô lệ của thế kỷ 17 và 18. Nhưng họ phải vật lộn khốn khó để tìm ra cách mô tả sự vận động của thứ tư bản “nhận thức“ này. Và điều đó có nguyên do. Vận động của nó cực kỳ phi tư bản.
Trong và ngay sau thế chiến thứ 2, các nhà kinh tế chỉ xem thông tin đơn thuần là một “hàng hóa công". Chính phủ Mỹ thậm chí còn ban hành các bằng sáng chế không nên tạo ra lợi nhuận mà lợi nhuận chỉ xảy ra trong chính quá trình sản xuất. Và rồi chúng ta dần hiểu về sở hữu trí tuệ. Năm 1962, Kenneth Arrow, trưởng bối tri thức về các nền kinh tế lớn, đã nói rằng trong một nền kinh tế thị trường tự do mục đích để sáng tạo ra sản phẩm là để tạo ra quyền sở hữu trí tuệ. Ông lưu ý: “Càng ít sử dụng thông tin càng thành công ở trong một chừng mực nào đó”.
Ta có thể quan sát chân lý của câu nói này trong mỗi mô hình thương mại điện tử đã được xây dựng: độc quyền và bảo vệ dữ liệu, thâu tóm dữ liệu xã hội miễn phí do tương tác người dùng tạo ra, thúc đẩy lực lượng thương mại vào các lĩnh vực sản xuất thông tin trước kia hãy còn phi thương mại, dò tìm thông tin hiện có để tìm kiếm giá trị tiên đoán - mọi lúc mọi nơi bảo đảm không ai khác ngoại trừ tập đoàn có thể thu lợi từ các kết quả thu được.
Nếu ta trình bày đảo ngược nguyên lý của Arrow, các hàm ý đầy tính cách mạng của nó trở nên rất rõ ràng: nếu một nền kinh tế thị trường tự do cùng với sở hữu trí tuệ dẫn đến việc “kém sử dụng thông tin”, thì một nền kinh tế dựa trên việc sử dụng toàn diện thông tin không thể nào chấp nhận thị trường tự do lẫn sở hữu trí tuệ tuyệt đối. Mô hình kinh tế của tất cả các nhà khổng lồ kỹ thuật số hiện đại được kiến thiết để ngăn chặn sự thừa ứ thông tin.
Nhưng thông tin vẫn thừa mứa. Hàng hóa thông tin có thể thay thế miễn phí. Khi một hàng hóa thông tin được tạo ra, nó có thể được sao chép vô tận. Một track nhạc hay một cơ sở dữ liệu khổng lồ dùng để chế tạo một chiếc máy bay có giá sản xuất; nhưng giá tái sản xuất rơi xuống con số không. Do vậy, nếu giá cơ chế giá thông thường của chủ nghĩa tư bản chiếm ưu thế theo thời gian, nó cũng sẽ tụt xuống con số không.
Suy tưởng của Karl Marx
Cùng với thế giới của thông tin bị độc quyền và giám sát từ phía các tập đoàn lẫn chính phủ, vẫn có một thứ khác chuyển động quanh thông tin: thông tin trong vai trò hàng hóa xã hội, miễn phí khi sử dụng, không thể sở hữu hay khai thác hay định giá.
Tôi đã khảo sát các động thái từ các nhà kinh tế và các chuyên gia hòng xây dựng một khuôn khổ chung cốt để hiểu rõ hơn về chuyển động của một nền kinh tế dựa trên thông tin dư thừa và thuộc về xã hội. Nhưng điều này thực ra đã được hình dung bởi một nhà kinh tế thế kỷ 19 trong thời kỳ của điện tín và máy hơi nước. Tên của ông là? Karl Marx.
Bối cảnh là thị trấn Kentish, London, tháng 2 năm 1858, đâu chừng bốn giờ sáng. Marx đang bị truy nã tại Đức và đang cần mẫn hoàn thành tác phẩm của mình. Khi cuốn sách được xuất bản, các trí thức cánh tả thập niên 1960 cũng phải thừa nhận rằng nó “thách thức mọi diễn giải nghiêm túc về Marx từng có trước đây”. Bài viết đó có tên gọi tạm dịch “Sự phân mảnh của máy móc” (The Fragment on Machines).
Trong đó Marx hình dung một nền kinh tế trong đó vai trò chính của máy móc là sản xuất, và con người chỉ phải giám sát. Marx nói rõ, trong nền kinh tế ấy, lực lượng sản xuất chính sẽ là thông tin.
Năng lực sản xuất của các cỗ máy chẳng hạn máy dệt bông tự động, điện tín và đầu máy hơi nước không còn phụ thuộc vào lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng mà phụ thuộc vào tri thức xã hội. Khả năng tổ chức và tri thức nói cách khác đóng góp nhiều hơn cho năng lực sản xuất so với công sản xuất và vận hành máy móc.
Tuyên ngôn này mang tính cách mạng. Nó cho rằng một khi kiến thức trở thành lực lượng sản xuất chính, vượt trên lượng lao động cần thiết để tạo ra máy móc, câu hỏi lớn sẽ không còn là so sánh tiền lương và lợi nhuận, mà là ai là kẻ kiểm soát quyền lực của tri thức, theo cách mà Marx gọi.
Trong một nền kinh tế mà máy móc thực hiện phần lớn công việc, bản chất của tri thức bên trong các cỗ máy đó, Marx viết, “phải mang tính xã hội”. Trong cuốn sách được viết ra vào đêm muộn thế kỷ 19 đó, Marx hình dung phần đuôi của suy tưởng này: Chế tạo ra một cỗ máy lý tưởng, sẽ tồn tại vĩnh cửu và hoàn toàn miễn phí. Một cỗ máy như vậy sẽ làm giảm giá thành, lợi nhuận, chi phí lao động của tất cả những gì nó nhúng tay vào.
Khi ta hiểu rằng thông tin là quyền lực của tri thức, internet và phần mềm là những cỗ máy lý tưởng, và khả năng lưu trữ, băng thông cũng như năng lực xử lý đang làm giảm giá thành theo cấp số nhân, giá trị trong tư duy của Marx trở nên rõ rệt. Chúng ta đang có xung quanh mình những cỗ máy không tốn phí và có thể, nếu ta muốn, tồn tại vĩnh cửu.
Trong các tác phẩm vẫn chưa xuất bản cho tới giữa thế kỷ 20, Marx hình dung thông tin sẽ được lưu trữ và chia sẻ trong cái gọi là “trí tuệ tổng quát” - để mỗi con người trên Trái đất kết nối vào một nguồn tri thức xã hội có lợi cho tất cả. Ngắn gọn hơn, Marx đã tưởng tượng đến một cái gì đó gần với nền kinh tế thông tin mà chúng ta đang sống trong đó. Và ông đã viết, sự tồn tại của nó sẽ "thổi tung chủ nghĩa tư bản lên trời".
Khi địa hình thay đổi, con đường cũ kỹ nằm ngoài chủ nghĩa tư bản do cánh tả thế kỷ 20 hình dung đã mất đi.
Nhưng một con đường khác đã mở ra. Sản xuất hợp tác, sử dụng công nghệ mạng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ chỉ hiệu quả khi miễn phí, hay được chia sẻ, định hình những ngả khác nằm ngoài hệ thống thị trường.Nó sẽ còn cần đến nhà nước để vẽ ra khuôn khổ - như nó đã vẽ ra khuôn khổ cho lao động nhà máy, đồng tiền và mậu dịch tự do ở thế kỷ 0. Khối hậu tư bản hẳn sẽ tồn tại song song với khối thị trường trong nhiều thập kỷ nữa, nhưng thay đổi lớn đang diễn ra.
Sự quá độ sẽ cần có sự tham gia của nhà nước, của thị trường và sản xuất hợp tác bên ngoài thị trường. Nhưng để biến nó thành hiện thực, toàn bộ dự án của cánh tả, từ các nhóm phản đối cho tới các đảng xã hội dân chủ và tự do, buộc phải tự cấu trúc lại.
Thực tế, một khi con người hiểu rõ được logic của quá độ hậu tư bản, những ý nghĩ ấy sẽ không còn là tài sản của cánh tả - mà chúng thuộc về một phong trào rộng lớn hơn, mà chúng ta cần gắn những nhãn mác mới dành riêng cho nó.
Ai có thể biến điều này thành hiện thực? Trong dự án cánh tả ngày trước, đó là giai cấp lao công nhân. Hơn 200 năm trước, nhà báo cấp tiến John Thelwall đã cảnh báo những người đã xây nên các nhà máy ở Anh rằng họ sẽ tạo ra một hình thái dân chủ mới mẻ và nguy hiểm: “Mỗi công xưởng và nhà máy sản xuất lớn là một kiểu xã hội chính trị, mà không chỉ thị nào từ nghị viện có thể làm câm lặng, không một quan tòa nào có thể giải tán nổi".
Ngày nay cả xã hội là một xưởng chế tạo. Chúng ta tất thảy đều tham gia vào việc sáng tạo và tái tạo các thương hiệu, hiện tượng và thiết chế bao quanh mình. Đồng thời các mạng lưới truyền thông thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày và cho lợi nhuận đang tràn ngập kiến thức chia sẻ lẫn sự bất mãn. Ngày nay chính mạng lưới - như các công xưởng 200 năm về trước - là nơi không thể làm cho câm lặng hay giải tán.
Thật vậy, các nhà nước có thể đóng Facebook, Twitter, thậm chí toàn bộ Internet và mạng di động khi xảy ra khủng hoảng, và trong quá trình đó cũng làm tê liệt nền kinh tế. Nó sẽ tương tự như việc, theo cách nói của nhà xã hội học Manuel Castells, ngắt điện cả một quốc gia.
Khi tạo ra hàng triệu con người kết nối với nhau, bị bóc lột về tài chính nhưng với toàn bộ trí tuệ nhân loại có được chỉ sau một một cú gạt ngón tay, nền tư bản thông tin đã tạo ra một tác nhân thay đổi mới trong lịch sử: con người có giáo dục và kết nối nhân văn.
Viễn cảnh về cuộc sống lý tưởng
Thực tế, diễn ra tại những nơi như Hy Lạp, sự phản kháng chính sách thắt lưng buộc bụng và tạo ra các hệ thống kết nối mà ta không thể tự vận hành - như một nhà hoạt  động đã cho biết - diễn ra song song. Suy cho cùng, chủ nghĩa hậu tư bản ở dạng khái niệm chính là các hình thái hành vi mới của con người mà các nền kinh tế đương thời hãy còn chưa xem là phù hợp.
Vậy làm sao chúng ta có thể hình dung được sự chuyển đối trước mắt? So sánh tương đương hợp lý nhất chúng ta có được là sự thay thế của chủ nghĩa tư bản thay cho chủ nghĩa phong kiến - và nhờ vào thành tựu của các nhà dịch bệnh học, di truyền học và các nhà phân tích dữ kiện, chúng ta đã biết nhiều hơn về sự chuyển đổi ấy hơn 50 năm trước khi nó được khoa học xã hội sở hữu. 
Chủ nghĩa phong kiến là một hệ thống kinh tế cấu trúc bởi phong tục và luật lệ về sự phục tùng. Chủ nghĩa tư bản cấu trúc bởi một sản phẩm thuần túy kinh tế: thị trường. Chúng ta có thể suy ra từ đây rằng hậu tư bản - điều kiện tiền đề đã có sẵn quá nhiều - sẽ không đơn thuần chỉ là một hình thái xã hội thị trường phức tạp. Nhưng chúng ta chỉ có thể bắt đầu hiểu được nó sẽ như thế nào ở một viễn cảnh tích cực.
Tôi không nói điều này ra để lãng tránh câu hỏi: các tham số kinh tế chung của một xã hội hậu tư bản, chẳng hạn, vào năm 2075, có thể được phác thảo ra. Nhưng nếu như một xã hội như thế được cấu trúc quanh sự giải phóng con người, chứ không phải các nền kinh tế, những điều bất khả tiên đoán sẽ bắt đầu hình thành.
Ngày nay, cái đang làm xói mòn chủ nghĩa tư bản, dù hầu như không được các nền kinh tế chính thống ghi nhận, chính là thông tin. Hầu hết các điều luật về thông tin xác định quyền của tập đoàn được thu giữ và quyền của nhà nước được tiếp cận, mà bất chấp nhân quyền của các công dân. Sự tương đồng với báo in và phương pháp khoa học chính là công nghệ thông tin và sự can dự của nó vào các công nghệ khác, từ di truyền học đến sức khỏe sang nông nghiệp đến điện ảnh, nơi công nghệ thông tin nhanh chóng làm giảm chi phí.
Điểm tương đồng hiện tại với sự trì trệ diễn ra vào cuối chủ nghĩa phong kiến chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đang bị kiềm hãm, mà ở đó thay vì tự động hóa công việc, chúng ta lại chỉ tạo ra những việc làm mà David Graeber gọi là dấm dớ với tiền công rẻ mạt. Và nhiều nền kinh tế đang trì trệ.
Đây không chỉ là sự chuyển đổi về chính trị. Internet, theo cách nói của nhà kinh tế Pháp Yann Moulier-Boutang, vừa là đại dương cũng vừa là con tàu nếu dùng nó làm hình ảnh tương đương với phát kiến thế giới trước kia. Thực tế, nó chính là con tàu, là la bàn, là đại dương, cũng chính là vàng bạc châu báu. 
Các cú sốc của hiện tại đã xuất hiện rất rõ ràng: Cạn kiệt năng lượng, thay đổi khí hậu, dân số già đi và di dân. Chúng đang thay đổi sự vận động của tư bản chủ nghĩa và khiến tư bản không thể hoạt động dài hạn.
Dẫu chưa tạo ra ảnh hưởng tương tự với Dịch hạch ngày trước - nhưng theo những gì ta nhìn thấy ở New Oreland năm 2005, chẳng cần đến một trận dịch hạch mới có thể đảo lộn trật tự xã hội, đảo lộn cấu trúc hạ tầng của một xã hội bị bần cùng và phức tạp về tài chính.
Một khi đã hiểu được sự chuyển đổi theo cách này, cái cần thiết chẳng phải là một kế hoạch 5 năm cực kỳ tỉ mỉ - mà là một dự án với mục tiêu của nó nằm ở chỗ phát triển các công nghệ, các mô hình kinh tế và hành vi làm tiêu biến các tác động thị trường, xã hội hóa tri thức, xóa bỏ nhu cầu đối với công việc và thúc đẩy nền kinh tế sang hướng dư thừa.
Tôi gọi đây là Dự án Zero vì nó hướng tới một nền kinh tế không sử dụng than đá; việc sản xuất máy móc, sản phẩm và dịch vụ với chi phí biên bằng không; và loại bỏ thời gian lao động cần thiết đến mức tối thiểu.
Liệu tin rằng chúng ta đang ở mép một cuộc tiến hóa vượt qua tư bản chủ nghĩa có phải là một hão huyền không tưởng? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà người đồng tính nam và nữ đã có thể kết hôn. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy khó khăn khi hình dung về tự do kinh tế?
Tất cả những văn tự của lịch sử nhân loại đều từng hình dung sự tồn tại của thảm họa. Nó đeo bám chúng ta trong các bộ phim về xác sống, phim thảm họa, trong đầm lầy hậu tận thế của các bộ phim như The Road hay Elysium. Nhưng vì sao chúng ta không được tưởng tượng một bức tranh về cuộc sống lý tưởng, dựng xây từ sự đầy tràn thông tin, của công việc phi cấp bậc và sự tách rời công việc với tiền lương?
Chúng ta cần nhiều hơn một mớ những giấc mơ hoang đường và những dự án quy mô nhỏ để xác nhận rằng chúng ta sắp bước sang một thời kỳ mới. Chúng ta cần một dự án xây dựng từ lý trí, từ bằng chứng và các thiết kế có thể kiểm chứng, rút ra từ lịch sử và tồn tại bền vững với hành tinh này. Và ta cần phải sớm thực hiện chúng.
Khương Lê (Theo The Guardian)


Từ khóa :

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget