(NewVnNews) Theo điều tra mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ số hài lòng vào cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) và niềm tin vào cộng đồng đều giảm sút.
Đừng đánh mất niềm tin
Đã từng có cuộc thi “Học sinh - sinh viên và trung thực: Được gì và mất gì’’ do CLB FACE của Trường ĐH Hoa Sen (TP HCM) tổ chức dưới sự tài trợ của Tổ chức Hướng tới Minh bạch, mục tiêu là ghi nhận những nỗ lực của thanh niên trong việc phát hiện và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng. Các bạn sinh viên chia sẻ: “Rất khó để có thể liêm chính trong một môi trường đã quá tràn lan tệ nạn “đi thầy”. Mọi người không ai là không làm như vậy trừ mình ra và mình có thể bị coi là khác người”. Theo đó, có đến 38% số thanh niên được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường/công ty tốt; tỉ lệ với những người lớn được hỏi là 43%. Rất nhiều người cho rằng việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng hoặc cho rằng “đó không phải là việc của tôi”...
Nhiều chuyên gia xã hội học đánh giá: Người dân, thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.
Chúng ta ai cũng bức xúc và trăn trở với nạn chạy chức chạy quyền trong xã hội. Nó đã trở thành một thứ “văn hóa” không mong muốn. Đây thật sự là một nguy cơ lớn làm mất lòng tin vào mọi thứ xung quanh, mất niềm tin vào cuộc đời này.
Khi nhìn cuộc đời với ánh mắt tiêu cực, người ta sẽ luôn thấy hoài nghi, lo âu, sợ hãi. Lúc đó, người ta sẽ không làm việc tốt hơn, ít yêu thương hơn, ít cống hiến hơn; sẽ đánh mất tiềm năng và sự tốt đẹp trong bản thân họ. Sự quá tải thông tin tiêu cực sẽ làm mất niềm tin, không mang lại cho xã hội sự an toàn hơn và không giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giữa trùng vây thông tin tiêu cực ấy, mấy ngày qua, những câu chuyện cảm động về tình người - ví như trường hợp cháu Dương Minh Phát (quê Vĩnh Long) bị đâm từ hốc mắt thấu đến sọ đã thoát chết kỳ diệu nhờ đôi bàn tay mầu nhiệm và tấm lòng yêu thương của các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) - như một cơn mưa mát lành phả vào cuộc sống đang ngột ngạt. Qua đó, chúng ta biết yêu thương hơn, tin vào cuộc đời hơn.
Khi gửi niềm tin yêu vào con người, nếu ta là một người sống hết mình vì mọi người, luôn tin tưởng, sẵn sàng bao dung và tha thứ thì ta sẽ có niềm tin và sẽ sống có ý nghĩa hơn.
Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những mặt trái của cuộc sống rồi vội đánh mất niềm tin vào bản thân, vào thế giới xung quanh. Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người. Hãy tự vấn ta đã và sẽ làm gì cho cuộc đời này, cho xã hội này ngày càng đáng sống hơn. Đừng nghĩ là xã hội vô cảm và dần thiếu vắng người tốt. Lòng tốt vẫn quanh đây. Chúng ta không sợ người xấu mà chỉ sợ người tốt không làm gì.
Niềm tin vào thế hệ trẻ
"Văn hóa Mỹ thiên về khuyến khích, văn hóa Việt nặng về đả kích. Con em chúng ta làm trăm điều hay chúng ta không dám khen vì sợ nó kiêu căng. Bạn bè chúng ta làm nghìn điều tốt đẹp chúng ta không dám khen vì sợ nó phách lối. Nhưng hễ cứ làm một điều lầm lỗi thì chúng ta chỉ trích, đay nghiến mãi không thôi.“ - Nguyễn Ngọc Ngạn
Đành rằng nét văn hóa nào cũng có 2 mặt tốt và đẹp của nó nhưng khi mà hy vọng mới hình thành trong trứng nước mà đã cứ dập tắt như thế này thì chịu chết.
Người trẻ, họ có quyền tự tin chứ. Vì sao? Vì họ chẳng có gì để mất cả. Cứ thử, cứ sai, cứ thất bại, có sao đâu? Có 2 cách để học một điều gì đó, cách thứ nhất là thử và sai; cách thứ hai là học từ người đi trước. Nhưng có những thứ không thể học theo cách thứ hai được, mà buộc phải học theo cách thứ nhất. Chẳng hạn ai cũng biết để đi được thì phải đứng vững bằng hai chân, nhưng có ai biết đi mà không từng bị ngã rất rất nhiều lần?
Có thời gian, mình thực sự ngấm câu nói: “Thắng không kiêu, bại không nản.” Có lẽ nó rất rất đúng với người trẻ. Tuổi trẻ trèo cao ngã đau, điều đó đúng. Nhưng cái đáng sợ nhất là không bao giờ dám trèo cao. Khi đó lúc nào cũng an phận với cuộc sống tầm thường về cả trí tuệ lẫn tinh thần thì có khác gì một đứa trẻ tồn tại trong một cái thể xác của người trưởng thành. Không dám dấn thân thì cho dù có 30, 50 tuổi có khác gì đứa trẻ 1 tuổi sống một cuộc đời lặp đi lặp lại 30, 50 lần?
Suy cho cùng, những định kiến xã hội, đó là hoàn cảnh, quan trọng nhất cần sự phản ứng điềm đạm và tỉnh táo của những người trẻ, đó gọi là BẢN LĨNH. Mà bản lĩnh nhiều khi lại phải cần thời gian mới có được. Vậy nên, CỨ TIN, CỨ THỬ, CỨ TIẾN. Điều gì đến rồi sẽ đến, quan trọng là dám hết mình.
Khi những hình ảnh đẹp của công an hay giới chức chính quyền là hàng loạt những bình luận không hay của các bạn trẻ: nào là công an giả nhân nghĩa, làm màu, nào thì làm sao mà phóng viên lại có thể đi theo để chụp được... Nói chung là các bạn không tin có điều đó xảy ra thật. Vậy phải chăng giới trẻ chúng ta đang dần mất đi những niềm tin về các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Không thể nói rằng tự nhiên mà các bạn lại có những lối suy nghĩ như thế được. Không có lửa thì làm gì có khói. Chúng ta đã được chứng kiến biết bao cảnh quan chức tham ô lộng hành, lợi dụng chức quyền. Dân chúng không biết bám lấy cái niềm tin nơi xã hội này ở đâu nữa. Nhưng chúng ta không thể đánh đồng mọi sự việc đều là xấu, không thể vơ đũa cả nắm được. Đặc biệt là giới trẻ bây giờ, là những người có thể tiếp cận mọi nguồn thông tin đầu tiên, là một bộ phận đông đảo trong xã hội và cũng là những thế hệ tương lai quyết định đến vận mệnh của đất nước.
Nếu chúng ta không có niềm tin nơi xã hội này thì chúng ta sẽ đánh mất đất nước của mình mà chả cần đến chiến tranh xảy ra. Niềm tin là những ngọn nguồn tốt đẹp về cuộc sống, là thứ mà dù chúng ta có thất bại, tuyệt vọng đến đâu thì cũng không thể đánh mất nó. Niềm tin là thứ dẫn dắt hành động của chúng ta, là nơi giúp chúng ta đứng dậy khi vấp ngã. Chúng ta sống là dựa theo niềm tin đó, đất nước chúng ta có thể phát triển được cũng là nhờ dựa theo niềm tin đó. Thay vì luôn luôn nghi ngờ, đánh giá, phán xét những hành động ngoài kia, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng nên niềm tin ở mỗi con người trẻ. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện tình yêu nước của mình. Hãy cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp bằng cách tạo nên những niềm tin tốt đẹp.
Khủng hoảng niềm tin và lý tưởng
Gần một thế kỉ trước, thế hệ những người mà nay đã tóc bạc da mồi thường nói về niềm tin như một thứ sức mạnh tinh thần vô giá để giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách khi phải đối mặt với chiến tranh, ngục tù, và thậm chí là cả cái chết. Đó là niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, và một xã hội công bằng, dân chủ, bác ái.
Niềm tin đẹp đẽ đó dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc, sự khao khát tự do sau nhiều thập kỉ bị đàn áp, và hơn hết, đó là niềm tin của lý trí vì những đòi hỏi đó là những quyền căn bản của con người, mà không sớm thì muộn cũng nhất định sẽ phải được đáp ứng. Sức mạnh của niềm tin tạo nên lý tưởng như một mục tiêu cụ thể để hiện thực hoá những giấc mơ, hoài bão mà thực tại không cho phép.
Lý tưởng Cộng sản với bản chất đẹp đẽ nhất của nó là tạo ra một xã hội công bằng không phân biệt giai cấp, tự do không đàn áp, do vậy là một niềm tin có cơ sở khi mà cả dân tộc ta bị từ chối những quyền cơ bản ấy. Những người tin vào chủ nghĩa Cộng sản những năm 30 của thế kỉ trước hẳn là có một tâm hồn đẹp với những khát khao chân chính.
Ngày nay, khi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu trả lời đồng thanh thỏa đáng như của những thế hệ trước. Thế hệ trẻ ngày nay ít còn tin vào những gì vẫn được rao giảng về một thiên đường xã hội chủ nghĩa và cũng ít tin vào bất cứ điều gì khác.
Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều hơn giới trẻ sa lầy vào những cuộc vui quên ngay tháng, sự giàu sang của bản thân, người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn.
"Sự khủng hoảng niềm tin và lý tưởng không hẳn là xấu vì bản chất con người là không thể khiến bản thân tin vào những điều họ vốn đã không tin mà không có lý do gì thuyết phục."
Khi mà sự giàu sang vẫn được nhìn với ánh mắt phản cảm và ngờ vực, vốn dĩ là hệ quả của hơn nửa thế kỉ đề cao giá trị của giai cấp vô sản và thực tại tham nhũng tràn lan; và khi mà con đường học tập và lao động chân chính không phải là cách duy nhất để làm giàu mà còn có nhiều cách khác đỡ tốn công sức hơn, cũng là dễ hiểu nếu như giới trẻ tự cho mình thái độ hài lòng với cuộc sống. Âu đó cũng là cách để giới trẻ sống trung thực ít nhất là với chính bản thân mình.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng niềm tin và lý tưởng không hẳn là xấu vì bản chất con người là không thể khiến bản thân tin vào những điều họ vốn đã không tin mà không có lý do gì thuyết phục. Một con người với đầy đủ sức mạnh tư duy và lý trí sẽ luôn luôn tìm những chứng cứ để củng cố niềm tin của chính mình, và từ bỏ nó khi những gì diễn ra trong thực tế không giống như trong hình dung của họ.
Nhìn về tương lai
Một niềm tin mù quáng là khi con người chối bỏ thực tế và cố gắng níu giữ lấy những gì mong manh nhất còn sót lại của một giấc mơ không có thật. Trong triết học, những niềm tin không lý trí như thế được gọi là niềm tin vô đạo đức, khi mà con người không có trách nhiệm với chính bản thân mình để có thể rũ bỏ những ảo tưởng và quay trở về với thực tế.
Nếu như hiện thực xã hội là hệ quả của những niềm tin và lý tưởng trong lịch sử thì tương lai sẽ được định đoạt bởi hôm nay. Khi mà thực tế không giống như những gì trong sách giáo khoa, sẽ là vô đạo đức khi những niềm tin truyền thống không bị lay chuyển. Những người vẫn hàng ngày rao giảng những niềm tin vô đạo đức đó và làm lú mờ con mắt lý trí của những nạn nhân cả tin sẽ là đáng trách hơn cả, vì chính họ đã và đang góp phần huỷ hoại tương lai.
"Thay vì áp đặt và kỳ vọng, cũng như cố gắng giáo dục cho lớp trẻ một niềm tin mù quáng, có lẽ sẽ là tốt hơn cả nếu để cho họ lạc lối để rồi tự do khám phá lý tưởng riêng của mình." Và có lẽ cũng đã đến lúc những người đang ngày ngày rao giảng niềm tin kia dừng lại một phút để ngẫm nghĩ xem niềm tin và lý tưởng của mình một thời nay có còn là chân thật nữa hay không?
Đăng nhận xét