(NewVnNews) Giáo dục khai phóng (liberal education) là giáo dục nhắm tạo ra con người tự do. Giáo dục khai phóng là "một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được, và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức, và sự can dự vào đời sống công dân..."
Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu; nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.
Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu; nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.
Nền tảng của phương pháp giáo dục Khai phóng chính là Tinh thần Khai phóng – hướng đến vun đắp và phát triển các giá trị sâu sắc nhất, quan trọng nhất, nền tảng nhất, tinh hoa nhất của con người. Các giá trị ấy đều xoay quanh 3 giá trị kinh điển mà nhân loại theo đuổi: Chân - Thiện - Mỹ. Tuỳ vào mỗi giai đoạn, mỗi bối cảnh, mỗi nhận thức mà con người hướng đến Chân - Thiện - Mỹ theo những cách thức, cấp độ khác nhau.
Tinh thần Khai phóng đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, có thể kể đến những bước tiến quan trọng như chuyển từ giáo dục kỹ năng/ thói quen/ luật lệ sang giáo dục kiến thức/ tri thức/ đức tính. Từ giáo dục kiến thức/ tri thức/ đức tính đến giáo dục phương pháp/ quy trình/ trải nghiệm. Từ giáo dục phương pháp/ quy trình/ trải nghiệm đến giáo dục năng lực/ giá trị/ khuynh hướng. Và bước phát triển cao nhất của Tinh thần Khai phóng là giáo dục chính tinh thần Khai phóng cho con người.
Giai đoạn trước Công nguyên, Tinh thần Khai phóng được thể hiện qua phương pháp giảng dạy/ chia sẻ cho học trò của các bậc vĩ nhân như Sokrates, Đức Phật, Lão Tử, qua đó hình thành các phương thức tư duy và tìm kiếm tri thức/ chân lý. Một ví dụ khác đó là các trường phái nghiên cứu khoa học cùng thời như của Aristot, Pitago... qua đó truyền tải các quan điểm, nhận định, tư tưởng, góc nhìn về tự nhiên hay về cuộc sống.
Sokrates (470 - 399 BC) |
Một bước phát triển vượt bậc của Tinh thần Khai phóng được phản ánh qua định nghĩa của Kant về Khai sáng: “Khai sáng là sự thoát khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Vị thành niên là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác…”
Ẩn chứa bên trong định nghĩa này chính là một bước phát triển mới của Tinh thần Khai phóng – khả năng tự tư duy và nhận thức của con người thay vì chỉ có thể học hỏi và làm theo người khác. Và sức mạnh đến từ cập độ nhận thức này đã làm nên một thời kỳ Ánh sáng huy hoàng ở thế kỷ XVII, XVIII.
Inmanue Kant (1724 - 1804) |
Nhờ vào thời kỳ Ánh sáng diễn ra mạnh mẽ ở Châu Âu, nên nền giáo dục của các nước Châu Âu từ đó có được nhiều bước tiến đáng kể. Giáo dục hướng đến sự phát triển của tư duy, hướng đến sự tự do trong suy nghĩ, hướng đến khả năng sáng tạo của con người… Và một số tư tưởng hay trường phái giáo dục ra đời sau đó như trường phái Montessori, trường phái Ledument… đến nay vẫn còn được biết đến và vẫn đang gây ảnh hưởng đến một số nền giáo dục lớn như Đức, Pháp, Nhật, Mỹ, Israel, Singapore…
Montessori |
Thế nhưng, bước tiến mới của Tinh thần Khai phóng này mới chỉ dừng lại ở năng lực tư duy - một bước tiến trong cách thức tiếp cận Tính Chân, và từ năng lực tư duy đó phóng chiếu ra các giá trị xã hội và giá trị nhân văn khác (Tính Thiện và Tính Mỹ). Cho nên, những giá trị Thiện và Mỹ đó vẫn mang màu sắc cá nhân và vì thế mà trở nên hạn hẹp, máy móc, cản trở lộ trình phát triển chung của nhân loại, và là nguyên nhân gây ra rất nhiều những cuộc chiến tranh trên nhiều phương diện khác nhau. Các giá trị nhân bản và giá trị xã hội cần phải được nhìn nhận ở một nấc thang mới cao hơn tương ứng với sự tiến hoá về Tính Chân ở trên, đó là sự mở rộng bản ngã, mở rộng tâm hồn con người, hướng con người tới sự đồng nhất với những người khác, với tập thể, với xã hội, với tự nhiên và từ đó kiến tạo một thế giới đẹp đẽ/ hạnh phúc ... Và để làm điều ấy, không thể chỉ dạy con người thông qua những bài học đạo đức hay thông qua những phép suy luận logic, mà phải trang bị cho con người những trải nghiệm về sự đồng cảm và khao khát vươn tới những cảm xúc cao thượng hơn, bác ái...
Ở Việt Nam, tinh thần Khai phóng đang không được biết đến trực tiếp mà phải thông qua các mô hình giáo dục học hỏi được từ các nước khác, bởi thế nên việc áp dụng nó gây ra nhiều khó khăn, nhiều khi bị bám chấp vào mô hình và nội dung hơn là tư tưởng và phương pháp. Bởi thế, việc phổ biến tinh thần giáo dục Khai phóng có nguy cơ bị thất bại.
Giáo dục Khai sáng đã nghiên cứu sâu về bản chất của Tinh thần Khai phóng, tham khảo các mô hình và phương pháp giáo dục tiêu biểu trên thế giới, cũng như đã tìm cách cô đọng các giá trị nhân văn truyền thống của phương Đông để đưa ra các mục tiêu Khai phóng cho chương trình giáo dục của mình, từ đó xây dựng ra mô hình, phương pháp thích hợp để truyền tải, để khơi gợi và vun đắp, cũng như lựa chọn những kiến thức và công cụ phù hợp, gần gũi với văn hoá và lối sống của người Việt Nam.
Nền giáo dục khai phóng là gì?
Thưa tiến sĩ Adler,
Liệu một nền giáo dục các môn học khai phóng chẳng phải làmột thứ xa xỉ hiếm có trong thế giới ngày nay sao? Các sinh viên đại học của chúng ta nên nghiên cứu vật lý, toán và những khoa học khác thay vì triết học, văn chương và âm nhạc. Chúng ta cần những người trẻ tuổi được đào tạo về các môn khoa học, chứ không phải những con người có thể trò chuyện hấp dẫn về văn hóa. Ngày nay phải chăng bất kỳ ai cũng có thể biện hộ cho giá trị của một nền giáo dục khai phóng?
W.W. thân mến,
Trước tiên chúng ta hãy làm rõ nghĩa của khái niệm môn học khai phóng và giáo dục khai phóng. Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào. Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là khoa học nhân văn khác.
Theo truyền thống khai phóng, các môn khoa học, kiểu như toán và vật lý, được coi như có tính khai phóng như nhau, nghĩa là, đều có khả năng phát triển năng lực trí tuệ như nhau. Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý. Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và Âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học). Nó dạy nghệ thuật quan sát, tính toán, và đo lường, làm thế nào để hiểu khía cạnh định lượng của mọi vật. Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta sẽ thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.
Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu. Không có nó, chúng ta chỉ có thể đào tạo những nhà kỹ thuật, những người không thể hiểu những nguyên lý cơ bản đàng sau những vận động mà họ thực hiện. Chúng ta hầu như không thể mong chờ những người máy tinh xảo như thế tạo ra những phát kiến quan trọng mới mẻ nào. Một chương trình chỉ đơn thuần huấn luyện kỹ thuật có lẽ sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ đối với ngành khoa học cơ bản. Mối quan hệ giữa nền giáo dục khai phóng với sự sáng tạo trong khoa học không chỉ là sự võ đoán. Lịch sử đã chứng minh rằng các nhà khoa học vĩ đại người Đức thế kỷ 19 đều có nền móng vững chắc về nghệ thuật khai phóng. Tất cả họ đều trải qua một nền giáo dục khai phóng bao gồm tiếng Hy Lạp, Latinh, Luận lý, Triết học, và Lịch sử, cộng thêm Toán, Vật lý, và những môn khoa học khác.
Thực tế, cho tới ngày hôm nay, đây là sự chuẩn bị học vấn cho các nhà khoa học châu Âu. Einstein, Bohr, Fermi, và những nhà khoa học hiện đại vĩ đại khác đều phát triển không chỉ nhờ việc học ngành kỹ thuật của mình, mà còn nhờ vào nền giáo dục khai phóng. Từ khi phi thuyền Sputnik I được phóng vào không gian, thì điều này cũng hết sức đúng đối với các nhà khoa học Nga. Về hệ thống giáo dục hiện tại ở Liên Xô, mà có một số người cứ đòi hỏi nước Mỹ phải cố gắng sánh ngang, có vẻ như nó chứa đựng một điều gì đó ngoài việc đào tạo về kỹ thuật và tập trung vào toán học và các môn khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào. Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không.
Vấn đề giáo dục là làm thế nào để sản sinh ra những con người tự do, chứ không phải một đám những nhà kỹ thuật được đào tạo mà không có tri thức. Chỉ có nền học vấn khai phóng tốt nhất mới có thể hoàn tất được điều này. Nó phải bao gồm tất cả môn khoa học nhân văn cũng như toán học và khoa học. Nó phải loại trừ việc chỉ đơn thuần đào tạo kỹ thuật và ngành nghề.
Nguồn: Trần Thế Công và sách Các tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
Đăng nhận xét