Halloween Costume ideas 2015

Vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo?

NewVnNews - Cuốn "Tại sao các Quốc gia thất bại" - nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, có khoảng hơn 500 trang thôi, rất thú vị và thông não tốt! Đọc không khó, khó là hiểu thế nào. Hiểu thế nào không quan trọng, hiểu xong thì làm gì.


Có 196 quốc gia trên thế giới. 25 trong số đó rất giàu có được định nghĩa là có thu nhập bình quân đầu người trên 100.000 $ một năm. Nhưng có những nước còn nghèo và một số thì rất, rất nghèo. Đây là 20 quốc gia nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của họ dưới 1000$ /, tức là chỉ dưới 3$ 1 người 1 ngày.

Tất cả các quốc gia, dù nhiều hay it đều đang trên con đường phát triển. Nhưng tại các quốc gia nghèo thì việc này diễn ra vô cùng chậm chạp. Nếu Zimbabwe tiếp tục duy tri tỷ lệ tăng trưởng như hiện nay, nó sẽ đủ tiêu chuẩn là một nước giàu trong 2.722 năm nữa.

Điều chúng ta muốn tìm hiểu là tại sao một số quốc gia thì thịnh vượng trong khi các quốc gia khác lại lạc hậu để từ đó hiểu được những điều đúng đắn mà các nước giàu đang làm và có cái nhìn toàn diện hơn về những thác thức và rào cản mà các nước nghèo đang phải đối mặt.



Acemoglu và Robinson đưa ra giả thuyết về các thể chế chính trị là cái quyết định chứ không phải địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết.

Lập luận đại thể như sau: một quốc gia giàu nếu phần lớn công dân của nó tham gia vào các hoạt động kinh tế, tạo ra nhiều của cải một cách hiệu quả, luôn tìm cách mới để thực hiện các nhiệm vụ (cũ và mới) sao cho hiệu quả hơn.

Nhưng cái gì khiến các tác nhân kinh tế (cá nhân, hộ gia đình, các công ty) làm như vậy? Đó là các khuyến khích (incentive). Không có các khuyến khích, không có động cơ người ta không tích cực làm việc; các phản khuyến khích thậm chí còn gây ra tác hại. Nghiên cứu các khuyến khích là một trong những nội dung chính của kinh tế học (và khoa học xã hội nói chung khi khuyến khích được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là khuyến khích kinh tế).

Song cái gì định hình các khuyến khích? Đó là các thể chế kinh tế. Các thể chế kinh tế là các quy tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế hoạt động thế nào và đến các khuyến khích thúc đẩy người dân ra sao. Các tác giả phân ra hai loại thể chế kinh tế: thể chế kinh tế bao gồm (inclusive economic institution) và các thể chế kinh tế khai thác (extractive economic institution).

Các thể chế kinh tế bao gồm bảo đảm: các quyền tài sản an toàn; luật pháp và trật tự; các thị trường và sự ủng hộ của nhà nước đối với các thị trường (qua các dịch vụ công và các quy định); dễ tham gia hoạt động kinh tế; tôn trọng các hợp đồng; đa số nhân dân được tiếp cận đến giáo dục và đào tạo và các cơ hội.

Ngược lại thì các thể chế kinh tế là khai thác: thiếu luật pháp và trật tự; các quyền tài sản không an toàn; các rào cản tham gia và các quy chế cản trở hoạt động của các thị trường và tạo ra sân chơi không bằng phẳng.

Cuối cùng, các thể chế kinh tế hình thành trên cơ sở nào? Các thể chế chính trị định hình các thể chế kinh tế. Các tác giả phân biệt hai loại thể chế chính trị: bao gồm và khai thác.
Các thể chế chính trị bao gồm bảo đảm: điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của các công dân – chủ nghĩa đa nguyên – đặt ra các ràng buộc và kiểm soát đối với các chính trị gia; nền pháp trị; nhà nước tập trung ở mức đủ để thực thi luật pháp và trật tự (nhưng không quá tập trung để biến thành chính thể chuyên chế).

Ngược lại, các thể chế chính trị mang tính khai thác: tập trung quyền lực chính trị vào tay một số ít người; không có các ràng buộc lên các chính trị gia hay kiểm soát và cân bằng hay thiếu nền pháp trị.

Các thể chế kinh tế bao gồm thúc đẩy tăng trưởng thông qua: khuyến khích đầu tư; tận dụng sức mạnh thị trường trong phân bổ nguồn lực, sự tham gia của các hãng hiệu quả hơn, có khả năng tài trợ vốn cho kinh doanh khởi nghiệp; tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi thông qua tạo cơ hội bình đẳng, để các công dân có cơ hội giáo dục và đào tạo; và quan trọng nhất khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và chấp nhận sự phá hủy sáng tạo. Như thế, các thể chế bao gồm tạo ra các khuyến khích để các tác nhân kinh tế hoạt động hiệu quả và kết quả là tạo ra tăng trưởng bền vững, và như thế thường dẫn các quốc gia đến giàu có.



Tăng trưởng, tuy vậy luôn luôn kéo theo những kẻ thắng và những người thua. Những kẻ thắng thường ủng hộ, song những người thua thường chống đối. Những người thua về kinh tế và nhất là những người thua (hay có khả năng bị thua) về mặt chính trị thường ngăn cản quyết liệt. Và đấy chính là logic của các thể chế khai thác: những người có quyền thế sợ sự mất quyền lực, sợ sự phá hủy sáng tạo, sợ bị trở thành kẻ thua, nên tìm cách cản trợ thay đổi, cố duy trì các thể chế khai
thác, ưu tiên giữ ổn định chính trị, giữ hiện trạng có lợi cho họ.

Tuy vậy, dưới các thể chế khai thác cũng có thể có tăng trưởng. Đầu tiên, có tăng trưởng thì mới có của cải để khai thác. Tăng trưởng dưới các thể chế khai thác chủ yếu diễn ra theo hai kiểu: chuyển nguồn lực từ khu vực năng suất thấp (thí dụ nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (công nghiệp hay dịch vụ, chẳng hạn); giới chóp bu có thể tự tin để tạo ra các yếu tố bao gồm trong các thể chế kinh tế trong khi vẫn giữ các thể chế chính trị khai thác.

Các thể chế kinh tế khai thác có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng không bền vững trong dài hạn và thường không tạo ra tăng trưởng và vì thế dẫn đến nghèo khó.

Có ái lực mạnh (hay sự đồng vận) giữa các thể chế chính trị bao gồm và các thể chế kinh tế bao gồm; cũng vậy đối với các thể chế khai thác; chúng tăng cường lẫn nhau và tạo ra trạng thái ổn định tương đối. Sự kết hợp của các thể chế chính trị khai thác với các thể chế kinh tế bao gồm có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng cuối cùng sẽ quay về hai trạng thái ổn định hơn: hoặc các thể chế chính trị chuyển thành các thể chế bao gồm và quốc gia phát triển mạnh, hay các thể chế kinh tế bao gồm bị thay thế bằng các thể chế khai thác. Tương tự, trạng thái các thể chế chính trị bao gồm kết hợp với các thể chế kinh tế khai thác cũng là trạng thái bất ổn định: các lực lượng chính trị sẽ buộc các thể chế kinh tế trở nên bao gồm, hoặc bản thân các thể chế chính trị bị biến thành khai thác.”
Mai Phương Tú.
Từ khóa :

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget