NewVnNews - "Cá thì lấy mẫu nhiều quá, còn thịt thì khoét chỗ ngon nhất để lấy", Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) đã phản ảnh như thế khi nói về thực trạng kiểm nghiệm thực phẩm ở Việt Nam.
Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại buổi làm việc |
Trong đó, nhiều vấn đề đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cho rằng không có quy định hay quy định đó không áp dụng trong các trường hợp mà đại diện JETRO nêu. Tuy nhiên, phía đại diện JETRO khẳng định các quy định này hiện đang áp dụng và ngay cả tại TP.HCM khiến cho doanh nghiệp Nhật Bản rất bối rối.
Như việc cấp giấy chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm, mặc dù đại diện Bộ Công thương khẳng định theo quy định chỉ có 10 ngày các đơn vị sẽ phải lên kế hoạch để mở lớp học cho người có nhu cầu nhưng phía JETRO cho rằng có đa số các trường hợp doanh nghiệp Nhận Bản phản ánh tại TP.HCM đều kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng mới có được giấy này.
Hay vướng mắc quy định trưng bày thực phẩm trong các cửa hàng tiện lợi, phía Bộ Công thương khẳng định vấn đề JETRO nêu mặt hàng thực phẩm không được để gần mặt hàng phi thực phẩm có nguy cơ độc hại chỉ áp dụng cho nhà kho bảo quản sản phẩm. Phía JETRO cho rằng các đơn vị áp dụng quy định này cho cửa hàng tiện lợi buôn bán sản phẩm…
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM phản ánh khi các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu thực phẩm đến Việt Nam thì đơn vị kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm ở Việt Nam đã lấy mẫu với khối lượng quá nhiều.
"Cá thì lấy mẫu nhiều quá, còn thịt thì khoét chỗ ngon nhất để lấy. Có cách nào để giải quyết tình trạng này không?”, ông Takimoto hỏi.
Ông Trần Duy Minh, Đại diện Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết vấn đề mà đại diện JETRO phản ánh thuộc lĩnh vực của ngành thú y kiểm tra an toàn thực phẩm và thực hiện kiểm dịch theo quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh của JETRO thì việc làm này không đúng vì lấy mẫu kiểm dịch phải theo số lượng và khối lượng phù hợp với yêu cầu.
“Phản ánh chung chung không cụ thể sẽ rất khó khắc phục. Đây có thể là trường hợp cá biệt, nếu đây là vấn đề của hệ thống thì cần phải chấn chỉnh. Hiện các bộ ban ngành nào cũng có website, đề nghị các doanh nghiệp có vấn đề khúc mắc cứ gởi văn bản kiến nghị cụ thể. Các bộ ban ngành sẽ giải quyết và có giải pháp cho thắc mắc của doanh nghiệp", ông Trần Duy Minh nói.
Có mặt tại cuộc họp, đại diện Đại sứ quán Nhật cũng yêu cầu phía Việt Nam cần phải có những giám sát đối với dư lượng kháng sinh trên con tôm nhập vào Nhật. Bởi vì hiện tại, dư lượng kháng sinh trên con tôm của Ấn Độ và các nước khác nhập vào Nhật đã giảm riêng dư lượng kháng sinh trên con tôm tại Việt Nam khi nhập vào Nhật vẫn còn rất cao.
Đại diên Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thừa nhận hiện vẫn còn một số nông dân chưa có ý thức vấn đề này tuy nhiên Bộ Nông nghiệp đang làm rất mạnh để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thanh Niên Online
Đăng nhận xét