Và dường như người ta đã quên mất nỗi đau đớn và tai họa khủng khiếp của người dân Việt Nam với thảm họa môi trường Miền Trung gây ra bởi Formosa.
Chúng tôi xin trở lại vấn đề này với cuộc gặp gỡ linh mục Trần Đình Lai, người đã dẫn đầu cuộc biểu tình hàng chục ngàn người tới phản đối Formosa vào đầu tháng 10 mới đây.
PV: Người ta cảm nhận những nỗi đau lớn nhất cũng như là những thiệt hại về tinh thần, về thể xác cũng như sự nguy hại và sự lo lắng nhất đối với Formosa. Thảm hoạ ở miền Trung với thủ phạm Formosa.
Vậy thì cuộc biểu tình hôm vừa rồi, mục đích chính của mình là biểu thị vấn đề gì và người dân hiện nay họ mong muốn điều gì nhất?
Linh mục Trần Đình Lai: Điều họ mong muốn đó là môi trường biển được làm sạch lại. Nhiều người họ nói rằng dù gì thì gì, dù làm như thế nào nhưng mà biển không sạch lại và cá không sống thì chưa đảm bảo được cái gì cả.
PV: Cho đến hiện nay thì Nhà nước đã nhận 500 triệu đô la và lên kế hoạch để trước đó là hỗ trợ và đền bù này khác nhưng mà chính thức thì Nhà nước chưa đứng ra nhận trách nhiệm, gọi là sẽ đứng ra thay mặt Formosa để đền bù. Theo văn bản chính thức là chưa, họ chỉ có văn bản về hỗ trợ, về những thứ nọ thứ kia hoặc là đền bù nhưng với danh nghĩa thì không hiểu đây là Nhà nước họ làm giúp Formosa? Hay là Nhà nước thay mặt Formosa để đền bù cho người dân? Bởi vì thảm hoạ môi trường miền Trung theo như con được biết thì là vô cùng lớn. Ảnh hưởng không chỉ có về hiện nay, về đời sống, về mọi mặt không chỉ là những người trực tiếp với biển, những cái dịch vụ đi theo như là từ vận tải, từ du lịch, tất cả mọi mặt đều sống. Theo cha thì có cần thiết phải phân định một cách rõ ràng về cái trách nhiệm và nghĩa vụ của người đứng ra đền bù?
Linh mục Trần Đình Lai: Tôi với những người ở đây rất là ngạc nhiên và cũng không thể hiểu được, tại sao Formosa là một công ty nước ngoài, đầu tư thì nó có luật của nó. Tại sao lại gây ra một cái thảm hoạ khủng khiếp như thế mà Nhà nước hoàn toàn đứng về phía nó và thậm chí còn ra mặt rõ ràng là bảo vệ Formosa chứ không hề đứng về phía người dân gì cả.
Cái đấy là cái người dân rất là bức xúc, rất là buồn và rất là đáng tiếc cho một chính phủ. Nó không tương đương, một công ty nó tương đương với một tập đoàn, hoặc là nó đầu tư vào đâu thì có những cái trọng tài thẩm quyền ở đó để giải quyết. Đằng này cả một Chính phủ, một quốc gia 100 triệu dân mà đi làm đầy tớ cho một anh bỏ vào đó mấy tỉ đô la. Quá là khủng khiếp, quá là ô nhục. Tôi không chấp nhận cái điều đó, nó khó hiểu quá.
PV: Thưa cha là bởi vì nếu như Việt Nam chỉ có một Formosa thì người ta có thiểu hiểu điều đấy được. Một công ty ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể hiểu được điều đó rằng là Nhà nước cũng rỗi rãi, không có việc làm, thì có thể đứng ra để giải quyết. Nhưng khi mà có hàng trăm những doanh nghiệp, mà có những tranh chấp không phải chỉ về môi trường mà về những vấn đề khác nữa thì nó có thể đứng ra để làm những việc đó hay không? Thì đấy là một câu hỏi.
Nhưng cái chính là công việc của người dân hiện nay ở những khu vực này cũng như tất cả mọi người, qua cuộc biểu tình vừa qua thì nó có một cái điều người ta đặt ra câu hỏi: Cuộc biểu tình đó, có phải thông điệp đó chỉ dành riêng cho giáo dân hay là cho tất cả mọi người gửi đến Formosa và gửi đến chính quyền Việt Nam rằng đó là nguyện vọng của người dân trong cái thảm hoạ này?
Linh mục Trần Đình Lai: Cái đó là cho tất cả miền Trung và cho cả dân tộc và cho tương lai những thế hệ con Việt chứ. Đâu phải là chỉ người Công giáo đâu. Có phải đâu phải chỉ anh mà thôi đâu.
Chúng tôi là những người sáng Chúa Nhật quy tụ để dâng thánh lễ và sau thánh lễ chúng tôi đi, tức là có đồng bộ, có đông người để đi một lúc, để nói lên một tiếng nói cho đồng thuận, chứ không phải là một mình Công giáo mà mục đích là cho người Công giáo đâu. Cho cả dân tộc, cho miền Trung và cho thế hệ tương lai của con dân Việt nữa.
Tôi đề nghị chính phủ có những cái thông báo rõ ràng chi tiết hướng dẫn dân. Bây giờ trong tình trạng hoang mang như thế, dân phải làm như thế nào? Và chính phủ có trách nhiệm và cam kết sẽ phục vụ dân trong tư cách gì và như thế nào?
Cái thứ ba nữa, thực sự ra ai cũng biết rằng những thảm hoạ trên khắp thế giới, kể cả những người văn minh như Mỹ, như Nhật, khi động đất, khi bị khủng bố, người ta kêu gọi cả thế giới ủng hộ.
Tại sao Việt Nam mình cũng là Chính phủ, cả một chuyện xảy ra như thế, Bộ Y tế biết cái thiệt hại, cái tầm mức và cái hệ luỵ như thế nào, tất cả các bộ ngành, các chính phủ đều biết đến nhưng tại sao không kêu gọi quốc tế giúp đỡ.
Tại sao thậm chí ngăn cản không cho các tổ chức dân sự xã hội vào và các tổ chức phi chính phủ vào để cứu dân? Mà đang còn gây khó dễ, đang còn nói rằng do Việt Tân xúi giục, do người này người khác kích động. Tôi nghĩ rằng không phải là chính phủ của dân, mà không phải là do dân hoặc là vì dân mà làm việc, mà làm đầy tớ cho những phe lợi ích, cho lợi ích nhóm, cho những người mà họ nhận được nhiều bổng lộc, nhiều tiền chứ không phải phục vụ dân.
Tôi rất buồn vì điều đó và tôi nghĩ rằng bắt buộc chính phủ phải có thái độ đúng đắn và chỉnh đốn nếu không thì dân lại thiệt thòi và rất là tai hại cho các cái chính trị và cho dân tộc Việt.
PV: Thưa cha, có một điều nữa là sau cuộc biểu tình của những người dân vừa qua về Formosa, điều mà người ta hết sức ngạc nhiên, có rất nhiều người không phải Công giáo cũng như rất nhiều người trên nhiều nơi trên thế giới người ta cảm thấy hết sức xúc động trước một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia mà hết sức là trật tự, hết sức là trị an cũng như là sạch sẽ về môi trường. Đấy là một cái đặc điểm để mà nêu cao tinh thần kỷ luật cũng như tinh thần vì môi trường, tinh thần hoà hiếu của người Công giáo.
Nhưng cái điều thứ hai nữa là người ta muốn có một cái sau khi báo chí và nhà nước đăng một số tin là một số phần tử Đảng nọ Đảng kia, cái này xúi giục kích động, thì thưa cha cái yếu tố kích động ở trong này có không? Tức là ở các cái phần tử hoặc là những cái thứ này khác có ảnh hưởng các cái yếu tố của nước ngoài hoặc là những cái tổ chức như là họ bảo là Việt Tân hoặc là những thứ đó kích động thì trong cuộc biểu tình có hơn một vạn người vừa qua có yếu tố tác động nào đó hay không?
Linh mục Trần Đình Lai: Từ khi tôi về đây cho đến giờ, nhất là cái thảm hoạ xảy ra cho đến nay, chỉ có một lần người dân nhận một người 500 ngàn từ hãng taxi Mai Linh. Mà nhận xong rồi họ phải vào trong ký tờ cam kết đi bầu cử, và họ nhận thẻ cử tri. Như vậy là tôi có bằng chứng hoặc là anh này làm tay sai cho một nhóm ít người nào đó, hoặc là nhà cầm quyền sử dụng anh ta như là một chiêu bài là cho tiền để rồi mua phiếu. Và cái đó cả xứ này ai cũng biết cả. Những người cầm tiền họ sẵn sàng làm chứng cho tôi.
Còn tôi với tư cách cha quản xứ, tôi đã từng hỏi trực tiếp những người dân và với tư cách linh mục, tôi tuyên bố rằng chưa có bất cứ một ai đến đây, dù cho một ký gạo và nói rằng phải làm cho tôi như thế này. Chưa ai làm như thế cả. Không có một người nào nhân danh đảng nào, nhân danh tổ chức nào, nhân danh cá nhân anh ta đến nói rằng tôi cho anh một trăm ngàn, anh phải làm cho tôi việc này. Chưa bao giờ có như thế cả.
PV: À thưa cha, cảm ơn cha. Điều đó để khẳng định một điều rằng đó là nguyện vọng và ý chí của người dân, chứ không thể nói rằng bị một ai kích động. Bởi vì người dân bây giờ họ đã ý thức được quyền lợi và ý thức được nghĩa vụ của mình. Vậy thì có một điều là nói chi tiết một chút về thảm hoạ này, thời gian vừa qua thì con có nghe tin rằng là ở khu vực thảm hoạ này bây giờ tiếp tục người ta đánh được loại cá biển, cá ở trên nước mặt lại tiếp tục là theo dòng nó đi vào, vào khu nhiễm độc và nó lại nhiễm độc rồi người ta đánh bắt nó được dễ hơn. Vậy thì những nhà cầm quyền ở đây đã có những biện pháp gì để phân tích loại cá đó có độc hay không hoặc là vùng biển nào sạch rồi là biển nào tắm được, biển nào sử dụng được hoặc là nước chỗ nào dùng được nước chỗ nào chưa, hoặc là loại cá nào ăn được loại nào không.Hoặc là ngăn chặn cái phát tán những thực phẩm đấy, những cái loại cá đó mà người ta đánh bắt từ vùng nhiễm độc đó lên, đã có ai ngăn chặn nó đi để nó khỏi phát tán ra khắp cả nước chưa? Hay là người ta tiếp tục để cho nó bị phát tán ra để nó sinh hại cho nòi giống Việt Nam thì cái đó có động tác nào không?
Linh mục Trần Đình Lai: Khi mà thảm hoạ mới xảy ra thì tôi đưa ra cái ý kiến trao đổi với ông chủ tịch thị xã là bây giờ phải thu gom, mua và phải có địa chỉ để tiêu huỷ, và phải có các nhà khoa học vào cuộc để thiêu huỷ nó vẫn phải đảm bảo an toàn. Tất cả họ nói ý kiến của linh mục là hay, nhưng không ai làm cả.
Rồi thậm chí không phải chỉ cá đánh được sau này, mà kể cả lúc đó khi người ta vớt được cá chết, người dân thì rất là thiếu thốn... mà khi họ nghĩ ra cách để làm tiền thì họ làm ngay. Họ mua đá, họ ướp lạnh, họ dẫn đi khắp nơi. Tôi nghĩ rằng ít nhất là trong nước Việt Nam vùng nào cũng có cá ướp độc của miền Trung này, đang tồn tại ở trong kho đông lạnh và người ta đã từng ăn rồi mà không biết. Rồi còn bây giờ hiện tại thông báo mới nhất của bộ y tế là trong vòng 13,5 hải lý thì cá tầng đáy và những loài sống ở tầng đáy là loài đang còn nhiễm độc chưa sử dụng được. Gồm tôm, cua, ghẹ, mực và một số loại khác... còn cá ở tầng nổi không còn nhiễm độc nữa. Họ thông báo rằng: Trong 141 mẫu đi xét nghiệm thì có đến 67 mẫu nhiễm độc. Như thế, lẫn lộn giữa cá tầng mặt và tầng đáy. Con nào trên mặt và con nào dưới đáy.
Những người đi biển họ nói rằng cá trong nước thì có khi nó ở trên mặt, có khi nó xuống dưới đáy có khi nó ở giữa chứ làm sao phân biệt được trên tầng mặt và dưới tầng đáy?
Mình ở vùng này, không khí có khi ở vùng này, có khi ở vùng khác chứ nó có ổn định một chỗ đâu. Cá khi nó ở dưới, khi nó nổi lên trên chứ làm sao bắt nó cố định. Cái đó là không khoa học và không thực tế. Đó chỉ là lý thuyết không và bậy bạ.
PV: Thưa cha, như vậy một nguy cơ rất lớn là hiện tượng cá nhiễm độc, độc tố của Formosa, những chất độc kim loại nặng đã phát tán đi nhiều nơi mà không có biện pháp nào ngăn cản. Đó là một mối nguy cơ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trực tiếp mà còn là suy vong nòi giống. Vậy thì tại ở đây, việc phát hiện nhiễm độc, các độc tố đã có biểu hiện nào chưa?
Linh mục Trần Đình Lai: Tôi thường căn dặn giáo dân là phải giữ gìn sức khỏe cho mình, nhưng không tránh được. Rất nhiều người ăn cá, ăn tôm sau đó bị nôn rồi đau rồi phải đi chuyền nước. Tất cả các tủ thuốc ở vùng Đông Yên này, của Dòng Mến Thánh Giá tôi phải tài trợ cho họ thuốc miễn phí. Cho đến bây giờ vẫn được truyền nước và phát thuốc miễn phí vì họ không có tiền. Nhiều người đã bị nhức mỏi, đau khớp, khó thở và nhức đầu. Đó là các hiện tượng đã xảy ra rất tràn lan.
Hiện tại có một số người đang đi thả bóng, bắt ghẹ nhưng người ta không dám ăn. Nhưng người ta bán thì có người đến mua.
Những con tàu đánh bắt xa bờ thì mỗi tuần được dăm tấn hoặc mươi ngày được vài tấn nhưng họ không đi. Bởi đi về cá bán rẻ quá không đủ tiền dầu, nên họ buộc neo tàu lại hoặc một số phải bán tàu.
PV: Thời gian vừa qua khu vực miền Trung là nó có một loạt học sinh phải nghỉ học không đến trường được. Vậy thì ở vùng mình thì đời sống người dân ảnh hưởng trực tiếp không những là người dân đi biển mà người dân các ngành liên quan như dịch vụ, du lịch cũng như là kinh doanh hàng hóa các thứ thế nào ạ?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Hôm khai giảng thì giáo dân và học sinh ở vùng xứ Quy Hòa tức là Kỳ Hà, các em không đến trường được bởi vì lý do không có tiền. Sau đó, nhà cầm quyền hình như là đã có biên bản miễn học phí để các em đến trường. Còn ở vùng tôi thì tôi kêu gọi ngay từ khi thảm họa xảy ra và trước, giữa hè tôi đã mua sách, mua vở, tôi đã chuẩn bị tiền để cho các em được có áo quần, có túi, có sách vở đến trường. Rồi sau đó chúng tôi tất cả đại diện phụ huynh, gửi đơn lên chỗ Sở, Phòng và các nhà trường, xin được miễn học phí. Và bây giờ có một số trường họ đã trả lời và đã miễn cho một số, còn một số chưa có câu trả lời.
PV: Thưa cha là quản xứ Đông Yên, xứ Đông Yên thì có lịch sử và cho đến gần đây thì di chuyển lên khu tái định cư. Ở tại khu vực cũ, hiện có khoảng 1000 giáo dân và hơn 150 hộ gia đình. Cha có liên hệ với con chiên của mình ở đó không? Đời sống của họ hiện nay như thế nào và nguyện vọng của họ là gì với cái dự án hiện nay họ đang phải chấp nhận?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Ở dưới đó hiện tại là 198 hộ, và 800 nhân khẩu với hơn 200 học sinh, các em mới được đi học lại từ ngày 23/8. Và rồi các em cũng có nơi để học giáo lý. Hàng tuần tôi cũng xuống đó để dâng lễ cho họ. Vì là nhu cầu về Đức Tin, về tâm linh và tôi có điều kiện để đến đấy phục vụ cho họ. Hiện họ đang chờ đợi và đang khắc khoải lo âu, chưa biết tương lai như thế nào.
PV: Bây giờ hiện nay ở đó thì cuộc sống của họ đang bấp bênh. Đặc biệt, mấy năm qua, hai năm liền, học sinh không được đi học. Nhưng mà báo chí nhà nước bảo rằng là do chính người dân ở đó ép buộc con mình nghỉ học thì điều đó có đúng hay không?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Cái này thì tôi thấy không nhân bản chút nào. Ở chỗ là Nhà nước bắt những đứa nhỏ để làm con tin ép bố mẹ nó phải ký để rồi di dời. Cái đó không nhân bản, cái đó là vi phạm nhân quyền. Thực sự ra, nếu tôi là người ở đây lâu và tôi đứng về phía phụ huynh là tôi sẽ yêu cầu họ kiện chính phủ về việc vi phạm nhân quyền.
Quyền đi học là quyền của học sinh, quyền của những đứa trẻ. Nó không liên quan chi đến vấn đề trách nhiệm công dân cả. Nó đã đến tuổi công dân đâu. Chính phủ dùng nó làm con tin để ép bố mẹ nó. Rồi bố mẹ nó chống lại chứ không phải là bố mẹ nó dùng con để làm con tin.
Chính phủ bắt nó đi lên một khu vực xa nhà, hơn 20 cây số. Trẻ em nó bằng từng này làm sao nó đi được. Bố mẹ nó khi nào cũng phải chở con, chở con lên đây là phải chờ nó học xong mới chở về được. Như vậy là bố mẹ nó cũng phải đi theo con thì làm sao có tiền để nuôi con ăn học. Điều đó là điều không tưởng, mặc dù chính phủ đề ra, mặc dù có quyết định của Sở, của Phòng, nhưng quyết định đó không khả thi bởi vì nó không thực tế. Và chính chính phủ đã bắt học sinh làm con tin.
Tôi thấy điều đó rất là vi phạm nhân quyền. Chứ không phải bố mẹ nào chủ động làm điều đó với con cái mình cả.
PV: Thưa cha là qua một thời gian theo dõi ở Đông Yên và tiếp xúc với họ, con được biết là ở đó vẫn là tình trạng bấp bênh chứ chưa có một sự ổn định. Nguyên nhân chính của vấn đề đó là không có một dự án nào cho khu vực Đông Yên, mà người ta lại cố tình ép người dân. Theo tìm hiểu của những người có hiểu biết thì đó là sự vi phạm pháp luật. Người dân có quyền sống trên mảnh đất của mình được cha ông để lại và không có một quyết định nào mà trái về luật pháp để buộc họ ra khỏi đó. Cha nghĩ như thế nào khi người dân quyết định sẽ không đi đâu mà sẽ ở lại đó?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Bây giờ người ta đang yêu cầu ở Hiến pháp Việt Nam sửa đổi và đưa vào luật, đặc biệt là luật đất đai là phải cho người dân được quyền tư hữu. Luật đất đai của mình đang được quyền sử dụng chứ không có quyền tư hữu. Như vậy đồng nghĩa với khi nhà nước cần thì họ lấy lại. Họ viết sẵn luật rồi họ tự làm thì mình có cách gì để thay đổi đâu. Đó là điều mà chúng ta đang còn phải đấu tranh pháp lý để cho hoàn chỉnh bộ luật, đặc biệt là luật đất đai.
Mấy năm nay thì không phải chỉ đất làng Đông Yên, không phải là Hà Tĩnh mà cả nước đều rất là nhức nhối với vấn đề khiếu kiện và tranh chấp đất đai vì luật nó quá là bất công. Nó không làm sao bảo đảm được cho quyền lợi của con người được cho bằng nhau cả. Do đó mà nó nổ ra rất là nhiều chuyện.
Luật, mặc dầu nó chưa hoàn chỉnh nhưng nó cũng có thứ tự ưu tiên của nó. Ví dụ đây là vấn đề nhu cầu ích lợi quốc gia, thì buộc anh khi nhận tiền bù thỏa đáng rồi, là buộc phải đi. Nhưng mà nên nhớ rằng buộc phải đi với điều kiện là đền bù thỏa đáng. Chứ không phải buộc phải đi bằng cách khác.
Đó là ích lợi thứ nhất là về quốc gia, về an ninh quốc phòng, ích lợi thứ hai là về vấn đề bảo vệ. Thí dụ như ở đây là chỗ bị sạt lở, ở đây là cái chỗ xung yếu, dễ bão dễ chìm tàu dễ chết người thì bây giờ trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ dân bằng cách di dời họ. Khi đó chính phủ phải hỗ trợ, và phải tìm cách tốt nhất để đưa họ đi đến một nơi an toàn hơn.
Đằng này ở đây, một đàng tôi cũng nghe là có dự án nọ dự án kia, hoặc nhiều người cũng nghĩ rằng đó là cái phần đền bù của Formosa. Nhưng mà rồi phía người dân phản đối lại mà cũng không ai đưa cho tôi chứng cứ rằng có dự án hoặc là Formosa đền bù gì cả. Nếu điều đó xảy ra không có dự án hoặc là không phải là có một cái cam kết đền bù giải tỏa đã hiệp đồng và đã có dân thỏa thuận để ký vào thì cái này là anh chính phủ làm sai. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ. Mình đang sống trong một nhà nước pháp quyền, chứ đâu phải quyền pháp. Anh đâu có quyền to hơn pháp luật được mà anh muốn làm gì thì làm, anh muốn bốc ai đi thì bốc, anh muốn đuổi ai để lấy đất thì đuổi. Phải căn cứ pháp luật chứ.
XEM:
PV: Điều hiện nay mà người dân thắc mắc nhất là cho đến nay đã đưa chuyển cả cái làng đó đi và hai làng bên cạnh cũng chuẩn bị chuyển đi. Nhưng chưa hề có một dự án nào ở đó cả. Người dân chưa hề được biết lấy đất của họ để làm gì. Để bán cho ai hoặc cho ai mượn hoặc thuê hoặc là để đất trắng. Người ta đã khiếu nại rất nhiều lần mà không được trả lời một cách thỏa đáng. Và chỉ có mỗi là ép người dân đi. Vậy thì theo cha điều đó có hợp lý trong nhà nước pháp quyền hay không?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Tôi thường đùa với bạn bè mình, tôi hỏi ai là to quyền nhất, họ trả lời là cơ quan lập pháp và quốc hội. Nhưng mà tôi lắc đầu, khi họ hỏi ai to quyền nhất thì tôi mới bảo là anh lái xe. Bởi vì là mấy anh cảnh sát hỏi mấy anh lái xe là làm luật chưa? Mấy anh lái xe là có quyền to nhất đấy.
PV: Xin lỗi cha là có một câu hỏi mà tự nhiên nó nảy ra là vấn đề Formosa. Nhà nước nhận 500 triệu đô la, nói rằng cái tiền đền bù của Formosa. Nhưng mà tội ác đối với môi trường và vùng biển Việt Nam hủy diệt môi trường biển miền Trung, là một tội ác rõ ràng, vi phạm luật môi trường.
Bất cứ ai trên đất nước có nhà nước pháp quyền, có luật pháp thì mọi vi phạm luật pháp đều phải trừng trị. Vậy cho đến nay, người ta chưa khởi tố vụ án phá hoại môi trường và giết người ở đây.
Cha nghĩ như thế nào nếu bỏ tiền ra là khỏi tội? Cho đến nay chưa thấy nhà nước có động thái nào để mà khởi tố vụ án này, mặc dù là một vụ án vô cùng nghiêm trọng. Vậy thì cha nghĩ như thế nào?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Vâng, một anh vi phạm pháp luật, anh phải đền bù thiệt hại, và anh phải nhận sự câu lưu hoặc là giam xét theo luật, theo tội của anh. Như vậy đồng nghĩa với nếu áp dụng đúng luật Việt Nam hiện nay, thì Formosa là một kẻ gây ra tội giết người, anh phải đền bù thiệt hại công bằng và anh phải đền cái tội đó. Tôi nghĩ rằng phải truy tố, và phải bắt tạm giam ông chủ tịch hội đồng quản trị, thì cái đó mới thực sự là đúng với pháp luật.
PV: Trong một nhà nước mà khi mà người ta cứ ù xọe cái chuyện tội thành không, không thành tội, thì cha có hy vọng gì trong vấn đề Formosa này không? Hay là ý kiến của người dân sẽ phải như thế nào để việc này sáng tỏ được?
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Trước hết thì lâu nay người dân người ta thất vọng về chính phủ. Vì nói thì hay mà làm thì dở. Nói thì nhiều mà làm ít. Mà quan trọng hơn tinh thần, thái độ phục vụ dân của họ càng ngày càng xuống. Xuống thấp quá rồi.
Đối với những người bình thường càng ngày càng thất vọng, thậm chí có những người buông xuôi, mặc kệ, không cần biết đến được có hay không, không quan tâm. Nhưng với chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng nhà cầm quyền phải thay đổi, vì không thay đổi đồng nghĩa với họ tự giết chính mình. Họ giết chết một chính thể thì đồng nghĩa với loạn dân và quốc gia. Không cẩn thận, những phe lợi ích phe nhóm, lợi ích đảng phái có thể xâu xé dân tộc này. Chuyện đó rất dễ dàng xảy ra, và khi đó nhà cầm quyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì sai lầm của họ, vì không nghe lời dân và không phục người dân.
PV: Vâng cảm ơn cha. Chúc cha sức khỏe và chúc cha mọi điều rất tốt đẹp. Cũng xin Chúa cầu chúc cho tất cả chúng ta những điều bình an đó, làm sao có một cuộc biến đổi, thay đổi làm sao tốt đẹp hơn.
Linh mục Peter Trần Đình Lai: Cảm ơn anh Vinh, với tư cách là Linh mục tôi phải phục vụ đoàn chiên, và tôi yêu cầu các nhà cầm quyền với tư cách là công dân của mình, mình phải lo cho họ. Đó là nhà cầm quyền có trách nhiệm phải lo, chứ không phải là ân huệ muốn ban khi nào thì ban.
Điều thứ ba nữa, chúng ta là người Việt Nam, quan trọng nhất là phải yêu dân tộc mình, phải đấu tranh đòi những gì mà dân tộc mình đang bị cướp đi và bị đe dọa.
PV Nguyễn Hữu Vinh
NGUỒN XEM THÊM:
Đăng nhận xét