Chiều 26/7, phó chủ tịch xã Kỳ Lợi và 1 cán bộ thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh (người trực tiếp phát lô gạo mốc) đã đến tận nhà dân để kiểm tra số gạo đó. Họ đã xác nhận gạo bị mốc là có thật, đã xin lỗi và hứa tháng sau sẽ đền bù lại gạo mới.
Trước đó, mời các bạn nghe chị Trần Thị Xoan, có chồng là ngư dân tại Vũng Áng, kể về số gạo mà người dân đươc chính quyền Hà Tĩnh hỗ trợ từ lúc cá bắt đầu chết đến nay!. Đoạn clip này chưa đầy 1 phút nhưng đủ dài để khiến nhiều kẻ phải cúi đầu!
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội có dư luận cho rằng, chính quyền thị xã Kỳ Anh và công an Hà Tĩnh đã đe dọa bà Trần Thị Xoan, vì lý do mà theo họ cho rằng video nói trên là bịa đặt và nhằm bôi xấu chính quyền, đồng thời họ đe dọa bà Xoan rằng, sẽ bắt giam bà về hành vi nói trên.
Chúng tôi đã tiếp xúc với bà Trần Thị Xoan, thì được bà cho biết cụ thể diễn biến của vụ việc nói trên như sau, theo bà khoảng 9:00 sáng ngày 9/8/2016, có một cán bộ công an điện về dọa bà vì đã trả lời phỏng vấn về vấn đề ‘gạo kém chất lượng’, viên công an dọa sẽ bắt giam bà đưa về đồn.
Bà cho biết:
“Gạo tôi nhận sao tôi trả lời vậy. Không phải riêng tôi mà còn nhiều người như thế, thực trạng sao thì tôi nói vậy, tôi có nói khống, có vu khống gì cho đảng cộng sản, cho chính quyền đâu.”
Bà Xoan cũng cho chúng tôi biết thêm, hôm qua có phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và một nhân viên ngoài văn phòng thị xã về gặp tôi, để kiểm chứng gạo của tôi có sự thực sự mốc hay không? Đi cùng với hai cán bộ trên có một số bà con trong xóm đi theo và chứng thực chuyện gạo mốc là có thật.
Theo ông Trần Xuân Hoa, đại diện cho bà con ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi cho biết, chất lượng gạo xấu là có thật, tới mức không thể ăn được. Ông khẳng định:
“Ngày 26/8/2016, ông phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và ông Thắng ở Thị xã Kỳ Anh có về đây để kiểm tra, xác thực xem có hay không việc gạo cứu trợ bị mốc? Họ có đến nhà tôi để kiểm tra và thấy có gạo mốc, tiếp đó họ đến nhà cô Xoan để kiểm tra và đã xác thực là gạo cứu trợ bị mốc.”
Chúng tôi đã liên lạc với Công an thị xã Kỳ Anh để hỏi về diễn biến của vụ việc này, đã được xác minh và có kết luận cụ thể ra sao, tuy vậy cán bộ công an từ chối trả lời và yêu cầu liên lạc với cơ quan có thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi, bà có suy nghĩ gì về vụ việc nói trên và tương lai trong những ngày sắp tới?
Bà Xoan thấy rằng, bà hết sức lo lắng về cuộc sống của bản thân và gia đình. Bà bày tỏ:
“Bây giờ thực sự là chết đói rồi, bởi vì dân thì bám vào biển. Đời ông bà, cha mẹ bám vào biển, bây giờ đã 4 – 6 tháng trời rồi, từ tháng 4 đến tận bây giờ, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ cho một người 15kg gạo, mà thực trạng gạo là gạo mốc.”
Theo báo Người Lao động cho biết, tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra tình trạng mỗi hộ dân được hưởng 300.000 đồng từ chủ trương hỗ trợ ngư dân sau thảm họa cá chết. Tuy nhiên khi nhận tiền về, lãnh đạo chính quyền đã bớt xén lại mỗi hộ 50.000 đồng với lý do ‘để làm sân hội trường thôn’. Những người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng, các khoản hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân sau sự cố môi trường, bị bớt xén, xà xẻo là chuyện có thật.
Người Kỳ Anh
Đăng nhận xét