THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI VÀ 3 BỘ TRƯỞNG:
Mình vừa viết xong thư ngỏ này để gửi đi một số địa chỉ. Lần đầu tiên viết thư ngỏ, nhưng lần đầu tiên đối với một vụ việc, một đề tài, mình cảm thấy áy náy nhiều với nhân vật quá nên đành phải viết để giải tỏa... |
Các giáo viên Sóc Sơn kêu cứu báo chí |
Tin Bài Đáng Quan Tâm:- Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
- Ông Nguyễn Thái Bình -. Bộ trưởng Bộ nội vụ
- Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ giáo dục
- Ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ công an
Tôi là Nguyễn Thị Thu Trang, Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM – Văn phòng đại diện tại Hà Nội – số 224 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội, xin trình bày với quý ông (bà) một việc như sau:
Trong thời gian vừa qua, tôi có thực hiện một loạt bài phóng sự điều tra “Cò viên chức lộng hành tại huyện Sóc Sơn”, trong đó phản ánh sự khốn khổ của 185 giáo viên huyện Sóc Sơn, bỗng nhiên mất việc. Họ cho biết, mình là nạn nhân của một đường dây chạy việc, chạy viên chức giáo dục xảy ra tại huyện Sóc Sơn - Hà Nôi. Ngay sau loạt bài, Bí thư thành ủy Hà Nội đã họp khẩn, chỉ đạo cơ quan Công an TP vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc báo nêu (tôi xin gửi kèm theo những tài liệu liên quan mà tôi đã từng cung cấp cho Công an Hà Nội)
Khoảng 1 tháng sau, tại cuộc giao ban báo chí của thành ủy Hà Nội, đại diện Công an HN đã công bố kết luận ban đầu rằng; “không có đường dây chạy viên chức giáo dục mà chỉ có một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lừa đảo, hòng chiếm đoạt tài sản của các giáo viên huyện Sóc Sơn”.
Tôi vô cùng bất ngờ về kết luận này. Tôi cho rằng đây chưa phải là sự thật. Bởi lẽ, trước đó khi thâm nhập thực tế suốt 2 tháng trời, tôi đã nhập vai một phụ nữ tên Giang, cùng các giáo viên bị đuổi việc, gặp gỡ các “cò mồi” như Ông Triệu- Phó công an xã Hồng Kỳ; ông Đàm Hữu Dũng - Trung tá, Giảng viên chính Học viện Kỹ Thuật Quân sự; bà Nguyễn Thị Toàn nguyên giáo viên trường Bắc Sơn A; ông Trần Văn Ánh - Cán bộ thuộc UBND huyện Sóc Sơn; cùng nhiều giáo viên mầm non đang công tác tại huyện Sóc Sơn đã và đang làm cò giáo dục… Tất cả đều thừa nhận rằng, họ đã chạy viên chức theo đường dây và lâu năm, giúp nhiều đối tượng vào viên chức thông qua vạy.
Tôi không tin là với tài trí, với chuyên môn, nghiệp vụ cao siêu của mình… Công an Hà Nội lại bất lực trước hiện tượng có quá nhiều dấu hiệu tiêu cực mà bất cứ ai cũng biết này? Họ có lí do gì để không đi thẳng vào bản chất sự việc?
Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy mình đang từ một Nhà báo đấu tranh chống tiêu cực, cung cấp thông tin, tài liệu cho CQĐT, bỗng dưng biến thành đối tượng bị điều tra bất đắc dĩ. Ngoài việc bị CQĐT thu giữ chiếc điện thoại mà tôi từng sử dụng để liên lạc với cò mồi, cái tên Giang mà tôi mang trong quá trình nhập vai tác nghiệp, cũng bị đưa vào bản kết luận điều tra “tung” ra cho các báo trong cuộc họp giao ban Thành ủy. Dường như việc làm trong sạch xã hội, bài trừ cái xấu, cái ác của tôi đã không được chính quyền địa phương nhìn nhận khách quan. Tôi đã bị một số đối tượng xấu quấy rối điện thoại, đe dọa, những người giáo viên giúp đỡ tôi trong quá trình tác nghiệp cũng bị dọa giết. Tôi cảm thấy bất an nên quyết định viết thư ngỏ, kèm các tài liệu liên quan, gửi đến các ông (bà) với mong muốn sự việc sau đây sẽ được xem xét một cách thấu đáo.
Tôi xin nêu sơ lược diễn biến sự việc theo những gì mình thu thập được như sau; “Từ năm 2009 đến nay, 185 giáo viên của huyện Sóc Sơn được UBND huyện nhận vào làm với mức giá, trên, dưới 50 triệu đồng/1 người. Không có tiền thì không bao giờ xin nổi việc và ngược lại. Vì muốn có việc làm, nhiều giáo viên phải vay mượn tiền để chạy việc, thông qua các đường dây cò mồi, một số trường, đích thân hiệu trưởng nhận tiền theo giá chung. Nhưng mọi quyết định cuối cùng đều nằm ở huyện. Sau đó, các giáo viên này đều được đóng bảo hiểm, được lên lương khi đến hạn, được khen thưởng, khi có thành tích…
Mọi chuyện rất bình thường, cho đến khi chủ trương thi tuyển công chức, viên chức ngành giáo dục bắt đầu được thực hiện, các giáo viên huyện Sóc Sơn lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy dữ dội của đồng tiền. Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu tuyển dụng và nhu cầu chạy viên chức… Các giáo viên được mời chạy vào biên chế với mức giá “cắt cổ”. Hầu hết 185 giáo viên nói trên còn chưa kịp thu hồi vốn đã bỏ ra xin việc, lại phải rơi vào cuộc chạy đua vào biên chế với mức giá hàng trăm triệu đồng…
Trước khi họ bắt đầu nghiệp giáo viên, thì họ bị đẩy vào một cuộc thi ai cũng biết là sẽ trượt, nếu không có tiền. Nhiều giáo viên cho biết; “họ là nạn nhân của “văn hóa nhiệm kỳ”. Nghĩa là khi thay đổi bộ máy quan chức, lập tức có sự thay đổi hàng loạt về biên chế, các quy định… dẫn đến sự nhộn nhạo đến đau lòng của cái gọi là “những cuộc thi tuyển” kia.
Có rất nhiều đường dây chạy viên chức đã ra đời. Một số nhân vật “cò” xuất hiện mời chào những giáo viên nghèo chạy đua vào biên chế. Hầu hết họ đều là giáo viên, cán bộ công chức, viên chức, có mối quan hệ với những người có quyền hành. Trừ rất ít “cò” lừa lọc, đa số những “cò” đều hoạt động dựa trên uy tín lâu năm, lo cho nhiều trường hợp vào được biên chế… từ đó có tiếng để thu hút được nhiều người chạy. Một số “cò”, chính là người nhà của các quan chức, cán bộ nắm quyền sinh, quyền sát.
Trong các tài liệu mà tôi gửi kèm có đơn tố cáo và thư ngỏ của một giáo viên trẻ. Vì không tin vào tiêu cực, nên quyết tâm đi thi bằng thực lực của mình. Nhưng trước những gì diễn ra ngay tại phòng thi, chứng kiến sự tiêu cực đến trắng trợn, công khai…
Giáo viên này đã phải cay đắng viết thư ngỏ, nhờ một người có uy tín đăng lên mạng giúp để mong có ai đó nhìn xuống dùm. Có một chi tiếthài hước mà cay đắng trong đơn của tố cáo của giáo viên này: “Tất cả các phòng thi đều lắp camera quan sát, nhưng họ ngang nhiên “bảo kê” cho những thí sinh chép bài. Xin các cơ quan chức năng, khoan tin những lời tố cáo của tôi. Hãy mở cameera mà xem thôi sẽ thấy những gì tôi nói còn chưa đủ. Tôi chỉ xin, sau khi xem thì đừng đưa ra kết luận… tất cả các camera đều bị trục trặc kỹ thuật nhé!”
Kính thưa các ông (bà)
Đây là lần đầu tiên tôi phải viết thư ngỏ. Tôi viết để làm gì khi những tài liệu chuyển cho các ông (bà) đã nói lên tất cả rồi? Xin thưa! Đầu tiên là cho chính bản thân tôi được nhẹ lòng trước đã. Tôi viết như là để chính mình nói với mình rằng “đã cố gắng hết sức rồi”. Tôi cũng muốn nói với 185 giáo viên đang khốn đốn vì có quá nhiều tiêu cực trong bộ máy giáo dục, những kẻ lợi dụng kẽ hở của“cơ chế”, chính sách đã đẩy họ vào biết bao hệ lụy gia đình. Tôi đã đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ để viết giúp họ một bức thư, như một tiếng kêu cứu thống thiết, gửi đến những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cao nhất có thể xem xét lại giúp họ…
Khi làm loạt phóng sự này, tôi đã mất 2 tháng trời lăn lộn, tìm hiểu mọi vấn đề, vào vai một người có nhu cầu chạy viên chức để tiếp cận những đường dây tiêu cực này. Tôi đã gặp, nhiều hoàn cảnh oái oăm. Có những “cò” chuyên chạy việc mà khi đến gần nhà họ hỏi thăm, ai cũng chỉ cho ngay. Có “cò” là sỹ quan quân đội cấp tá cũng không ngần ngại mang cái hàm cao quí ấy ra để tạo sự tin tưởng.
Với góc độ một nhà báo tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Báo đã đăng phóng sự điều tra của tôi, công an cũng đã vào cuộc, dùng tư liệu tác nghiệp của tôi để tìm ra những kẻ lừa đảo và khởi tố chúng. Tòa soạn cũng khen thưởng tôi mà không hiểu sao tôi lại đang sống trong bấn loạn, buồn bực thế này? Tôi thấy mình đang nợ những giáo viên khốn khổ một điều gì đó rất lớn? Tôi sợ niềm tin cuối cùng mà chúng tôi đã dành cho họ cũng tan biến hết. Họ cứ nghĩ, được báo chí nói lên sự thật thì tiêu cực sẽ chấm dứt? Nhưng không. Thật ngạc nhiên là ngay cả khi các cò bị bắt, thì những suất biên chế còn trống vẫn được mời chào chạy một cách trắng trợn. Chưa một ai có trách nhiệm chịu đối thoại với họ về vấn đề này.
Một trong những nhân vật của tôi cho biết: “Khi công an về điều tra thông tin báo nêu, họ không hỏi họ tiêu cực xảy ra như thế nào? Mà hỏi rằng: “Các cô quen nhà báo tên Giang trong hoàn cảnh nào? Tại sao đi cùng chị Giang? Nghe công an hỏi vậy, giáo viên này đã từ chối hợp tác vì cho rằng, câu hỏi không liên quan đến cái cần điều tra.Cái họ cần được khai là sự tiêu cực đó diễn ra như thế nào, chứ không phải là họ đã gặp nhà báo như thế nào?
Trong tài liệu quay phim mà tôi gửi cho quý ông (bà), rất nhiều cái tên được nhắc đến có liên quan đến người có trách nhiệm, hiện đang đương chức và có quyền sinh, quyền sát trong việc thi tuyển viên chức. Rất nhiều giáo viên đã chạy viên chức thành công, hiện đang làm việc tại các cơ sở giáo dục. Riêng năm 2014, cò Ánh khắng định đã chạy thành công 37 trường hợp”… Vậy vì lí do gì mà CQĐT khó vạch trần sự thật đến thế?
Tôi đã nghĩ rằng, có thể vì áp lực thời gian phải hoàn thành án? Có thể cái xấu đã quá tinh vi, ẩn náu không dấu vết… nên cơ quan điều tra đã chỉ tìm ra được cái ngọn của vấn đề. Còn cái gốc rễ của nó, cành lá của nó vẫn đang tồn tại ngang nhiên… thì cách giải quyết này cố phần bất nhẫn quá. Nó chỉ góp phần làm những người dân thấp cổ, bé họng mất niềm tin vào sự tử tế vốn hiếm hoi lúc này?
Thưa các ông (bà)!
Cái ngày những giáo viên được quay lại lớp còn mịt mờ quá. Tôi thấy mình đã không làm được gì cả? Cái mong muốn khi tôi bỏ hàng tháng để tác nghiệp ở huyện Sóc Sơn, không phải là để bắt mấy người được cho là lừa đảo kia, mà là để ai đó có trách nhiệm phải trả lại công bằng cho 185 giáo viên đang ngơ ngác, khốn đốn vì tiêu cực. Họ đã sống thế nào được khi không có cả đồng lương để nuôi con nhỏ, cha mẹ già?
Khi báo chí, các kênh truyền hình loan báo rằng: “Hà Nội không có nạn chạy viên chức”, tôi cũng như nhiều người đã phì cười vì tính hài hước của kết luận này. Tại sao lại chỉ có vài kẻ lừa đảo? Sao lại không hề có đường dây chạy công chức, viên chức, trong khi ai cũng biết đâu là sự thật? Câu hỏi này xin dành cho các ông (bà) trả lời.
Với tôi, cái quan trọng nhất vẫn là số phận của 185 giáo viên mất việc kia. Mong các quý vị hãy thấu hiểu nỗi đời của họ. Không chỉ đơn giản chỉ là chuyện mất việc, không lương, không tiền đâu. Hệ lụy kinh tế khó khăn, kéo theo mâu thuẫn gia đình. Đã có rất nhiều sự đổ vỡ hôn nhân sau khi các cô không có việc làm. Nhiều cô phải đi gánh gạch thuê để nuôi con. Rất nhiều hoàn cảnh bi đát đã xuất hiện, làm tôi day dứt. Giá mà tôi có thể đánh đổi tất cả những giải thưởng báo chí mà tôi được trao để lấy công việc cho họ.
Tôi không quên được buổi đầu khi gặp nhóm giáo viên đại diện cho 185 giáo viên bị đuổi việc này, có người còn nợ tiền xin việc. Có cô giáo nhà chẳng còn đồng nào để mua sữa cho con, chồng đi làm ca đêm, có mấy trăm ngàn trong túi cũng bị bọn cướp chặn đường, lột hết… Họ bế theo con nhỏ nheo nhóc, đói khổ đến gặp tôi, khẩn khoản xin tôi viết cho họ 1 bài điều tra. Họ muốn vạch trần sự thật xấu xa của một số kẻ lợi dụng vơ vét của những người nghèo… rồi đẩy họ vào bước đường cùng.
Những giáo viên khốn khổ bảo rằng; “Chị cứ giúp chúng em đi, rồi chúng em sẽ gom góp tiền để bồi dưỡng cho chị làm lộ phí đi đường”. Lời hứa đó làm tôi ứa nước mắt. Tôi thương họ hơn. Sao họ không nghĩ rằng lúc đó tôi ước gì mình là một đại gia, mở một trường mầm non thật lớn để tuyển hết họ vào dạy học. Sao họ không tin rằng tôi sẵn sàng lao vào hiểm nguy vì họ mà không có bất cứ điều kiện gì? Tôi đã phải cố gắng để không tràn nước mắt với những người cùng khổ này. Cay đắng thật, cái xấu đã lên lỏi vào đến tận tế bào của những người tốt mất rồi. Họ bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của tiêu cực, tham nhũng, đút lót. Nên họ nghĩ lại phải dùng đến cả cách đút lót tiêu cực để phanh phui cái xấu,cái ác? Tôi đã phải cứng giọng, mắng át họ đi. Nhưng không phải là tôi ghét họ, mà là để mình không rơi nước mắt vì xót xa. Chúng ta đang phải sống trong một thời đại quái thai đến thế rồi sao?
|
Nhà báo Nguyễn Thu Trang |
Suốt quá trình đồng hành giúp đỡ 185 giáo viên này, tôi đã nặng trĩu tâm tư và ám ảnh về cái chết của một cô giáo trong số họ. Vì cay đắng, tủi nhục trong cơn hoạn nạn mất việc, không tiền… cô giáo này đã đổ bệnh mà chết. Vậy là cô đã là người bỏ cuộc đầu tiên. Đồng nghiệp của cô, 184 giáo viên còn lại vẫn tiếp tục hành trình tìm lại công việc chính đáng của mình… Tôi không rõ hành trình của họ sẽ đến đâu? Nhưng tôi mong, bức thư thành thật này của tôi, gửi đến ông (bà) một thông điệp nào đó và nhất định, những trăn trở này sẽ được trả lời…
Có lẽ tôi đã quá dài dòng, nên xin dừng bút tại đây. Một lần nữa, kính mong các ông (bà) xem xét đến tiếng kêu cứu thống thiết của những giáo viên này, sớm đưa họ về với trường, với lớp của mình…
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thị Thu Trang